Thursday, October 8, 2020

Nguy cơ từ xe đạp điện và linh kiện nhập lậu

Linh kiện đầu vào kém và không được kiểm định chất lượng khiến các dòng xe đạp điện nhập lâu, trôi nổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người dùng khi lưu thông và gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Người dùng “ôm trái đắng” vì xe điện kém chất lượng

Nguy cơ từ xe đạp điện và linh kiện nhập lậu
Các loại xe điện lậu đang lách luật bằng các chiêu thức tinh vi hơn

Với tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/năm và doanh số lên đến cả triệu chiếc, thị trường xe hai bánh chạy điện (xe đạp điện, xe máy điện) đang rất màu mỡ. Cũng bởi xe điện đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm nên kéo theo đó là nhiều tổ chức, cá nhân đã nhập lậu, làm giả mặt hàng này để trục lợi.

Như ICTNews phản ánh trong loạt bài đã đăng tải, thực tế thị trường cho thấy người tiêu dùng và các doanh nghiệp xe điện chính hãng tại Việt Nam phải đối mặt với nhiều sản phẩm xe điện lậu, xe không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lượng xe này không được cơ quan chức năng kiểm tra và quản lý về chất lượng nhưng vẫn bán ra thị trường.

Đại diện một hãng xe điện trong nước còn ước tính có tới 90% các loại xe đạp điện và linh kiện xe đạp điện trên thị trường đều không rõ nguồn gốc. Nguyên do là quy định hiện hành chưa yêu cầu người đi xe đạp điện phải đi đăng ký biển kiểm soát như xe máy điện, nên nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở này để trục lợi.

Những chiếc xe điện nhái, không rõ nguồn gốc khi tung ra thị trường có kiểu dáng không khác là bao so với những chiếc xe chính hãng. Nhiều người tiêu dùng không tìm hiểu kỹ sẽ không thể phát hiện đâu là xe lậu, đâu là xe chính hãng. Ông Lê Thanh, chủ một hệ thống xe điện tiết lộ: “Hình thức làm giả của các mẫu xe rất tinh vi, do đó khách hàng rất khó phân biệt”.

Các loại linh kiện nhập lậu được đưa về Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Sau khi lắp ráp thành phẩm sẽ nhanh chóng đưa về các hệ thống phân phối ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc, đặc biệt là bán nhiều ở các đại lý ở tuyến huyện, thị.  

Những chiếc xe này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn khi vận hành bởi chất lượng đầu vào kém và không qua kiểm duyệt, đánh giá từ các cơ quan quản lý. “Nếu mua phải các dòng xe trôi nổi thì gặp phải rủi ro là khi sử dụng hay bị hỏng vặt, thời gian sử dụng ngắn. Cùng với đó là các vấn đề không an toàn khi phanh và các hệ thống lái rất kém, đi một thời gian xuống cấp rất nhanh”, ông Lê Thanh cho biết.

Khi sản phẩm gặp vấn đề thì thiệt thòi lớn nhất sẽ ở phía người tiêu dùng. Sản phẩm chất lượng kém sẽ khiến khách hàng gặp nhiều rắc rối trong quá trình sử dụng, nhất là chế độ bảo hành của các dòng sản phẩm này thường kém hơn. Đó là chưa kể đến các vấn đề mất an toàn giao thông, cháy nổ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trước những nguy cơ này, lãnh đạo một hãng xe điện cho rằng, việc kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của xe đạp điện, xe máy điện sẽ giúp người tiêu dùng tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Doanh nghiệp khó sống, Nhà nước thất thu

Là một dòng xe tiện dụng, tiết kiệm và thân thiện với môi trường  nhưng vẫn nhiều người Việt còn nghi ngại với chất lượng của các dòng xe chạy điện.

Lý giải điều này, đại diện nhiều hãng xe điện cho biết, một phần là do các dòng xe chất lượng kém đã gây nên cái nhìn thiếu thiện cảm của người dùng. Đây cũng là lý do các loại xe nhập lậu, kém chất lượng là mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững mà nhiều doanh nghiệp xe điện đang xây dựng.

Đại diện một hãng xe điện trong nước chia sẻ, các dòng xe nhập lậu này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hãng xe điện chính hãng tại Việt Nam nói riêng và ảnh hưởng đến cả ngành xe điện nói chung, khi gây ra những định kiến cho người dùng về loại xe rẻ tiền, dùng tạm.

Cùng ý kiến trên, đại diện một doanh nghiệp sản xuất xe máy điện tại Việt Nam cũng cho hay, các loại xe lậu bán trên thị trường làm cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính gặp khó khăn khi khó thay đổi nhận thức của khách hàng.

Ngoài ra, việc thiếu minh bạch về chất lượng, giá cả không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng hay các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Không nêu con số, nhưng đại diện doanh nghiệp cho biết, với hàng trăm nghìn xe không được kiểm định bán ra mỗi năm, ngân sách Nhà nước có thể thất thu cả nghìn tỷ đồng bởi các chiêu thức trốn thuế.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu không xử lý đúng quy trình

Xe đạp, xe máy điện trên thị trường hiện nay thường sử dụng pin hoặc ắc-quy để vận hành. Trong đó, xe đạp điện và nhiều mẫu xe máy cỡ nhỏ chủ yếu thường sử dụng ắc quy do giá thành rẻ hơn.

Ắc-quy chứa hàm lượng chì lớn, thuộc vào nhóm chất thải nguy hiểm. Khi sử dụng lâu, chì trong bình điện và vỏ nhựa thải ra môi trường có thể gây ô nhiễm, độc hại đến sức khỏe con người nếu không có quy trình xử lý. Do đó, theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm thu hồi, thải bỏ các sản phẩm đã bán ra. Trong khi đó, các loại xe trôi nổi, không rõ nguồn gốc lại không được thực hiện theo quy trình thu hồi, thải bỏ.

Việc thay thế các loại ắc-quy với các dòng xe đạp điện hiện nay khá dễ dàng và chi phí ngày càng rẻ hơn. Thực tế cho thấy, với nhiều loại xe đã qua sử dụng người dùng thường tự mang đến các cửa hàng nhỏ, lẻ để thay thế và xử lý. Thậm chí, nhiều cửa hàng bán xe điện quảng cáo người dùng có thể mua về và thay thế tại nhà. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng và hệ lụy lâu dài tới môi trường khi các loại ắc-quy bị thải bỏ sau một vài năm sử dụng mà không được thu hồi và xử lý đúng cách.

Phúc Vinh

Thủ tướng yêu cầu xử lý vấn đề 'loạn' thị trường xe điện

Thủ tướng yêu cầu xử lý vấn đề 'loạn' thị trường xe điện

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, cùng với Bộ Công an nghiên cứu, xử lý về việc 'loạn' thị trường xe điện.  

No comments:

Post a Comment