Thursday, October 1, 2020

4 giải pháp chiến lược để ngành Bưu điện đổi mới trong thời gian ngắn

Trong bối cảnh đất nước không chỉ bị cấm vận về kinh tế mà còn bị cấm vận về công nghệ, viễn thông, mã 84 của Việt Nam bị khóa… ngành Bưu điện vẫn có nhiều vận dụng sáng tạo để đổi mới.


Lời tòa soạn: Hơn thập kỷ sau 1975, Bưu điện được xem là ngành nghèo và lạc hậu nhất. Thế nhưng, với tầm nhìn và tư duy đổi mới mạnh mẽ cùng hành động quyết liệt, Bưu điện đã "lột xác" trở thành ngành hiện đại ngang tầm thế giới, đóng vai trò là ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng của đất nước. Hơn 30 năm qua, những bài học và kinh nghiệm đổi mới, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh của ngành Bưu điện vẫn là câu chuyện mang đầy tính thời sự cho các ngành, các lĩnh vực của Việt Nam cũng như là hành trang của ngành thông tin - truyền thông tiếp tục bước vào kỷ nguyên 4.0 và chuyển đổi số. VietNamNet đã tìm lại các nhân chứng, lắng nghe các câu chuyện và giới thiệu với bạn đọc những bài học lịch sử của ngành.

“Lấy ngoài nuôi trong”

Một trong những đặc điểm vô cùng quan trọng của ngành Bưu điện Việt Nam là có những mối quan hệ quốc tế rất đặc thù. Hơn 30 năm về trước, Việt Nam đã là thành viên của Liên Hợp Quốc, đồng thời cũng là thành viên của các tổ chức khác của Liên Hợp Quốc, trong đó có Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Tổ chức Viễn thông Châu Á – Thái Bình Dương (APT)…

Những mối quan hệ quốc tế đặc thù, đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta lúc đó đã đưa đến một nhận định: Phải chăng hợp tác quốc tế tiếp tục là thế mạnh của Bưu điện Việt Nam trong con đường đi lên và phải chăng viễn thông quốc tế sẽ là đột phá khẩu cho công cuộc đổi mới?

Lãnh đạo Tổng cục Bưu điện quyết định phải làm những cuộc thí nghiệm để có cơ sở thực tiễn, rút kinh nghiệm và tạo nên những định hướng phát triển cho ngành. Thí nghiệm đầu tiên là viễn thông quốc tế - khởi đầu là dự án hợp tác kinh doanh với một trạm vệ tinh nhỏ (VISTA) của OTC (nay là Telstra - Australia), sử dụng công nghệ digital từ tháng 7/1987 tại TP.HCM. Qua dự án này, chúng ta muốn thử nghiệm 3 vấn đề là thị trường, công nghệ và khả năng quản lý.

4 giải pháp chiến lược để ngành Bưu điện đổi mới trong thời gian ngắn
Chủ tịch nước Lê Đức Anh và lãnh đạo ngành Bưu điện tại buổi lễ khánh thành khu C2 Láng Trung năm 1992. Ảnh: Tư liệu.

“Cũng phải nói thêm rằng lúc này, Việt Nam đã có 2 trạm vệ tinh là Hoa Sen 1 và Hoa Sen 2, sử dụng công nghệ analog với dung lượng 24 kênh, vốn do Nhà nước đầu tư (Hoa Sen 2) hoặc là quà tặng của các bạn Liên Xô (Hoa Sen 1). Qua trạm VISTA, chúng ta thử nghiệm mở cửa thị trường thông tin ra quốc tế để xem thực tế nhu cầu của thị trường viễn thông quốc tế có hay không và thị trường này hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hay không”, ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Bưu điện phân tích.

Chỉ trong vòng một năm hợp tác kinh doanh trạm vệ tinh viễn thông VISTA, lưu lượng qua trạm đã được lấp đầy. Vì thế, năm 1988, ngành tiếp tục hợp tác để đưa thêm một trạm vệ tinh mới có dung lượng lớn vào khai thác.

Cũng trong năm 1988, một hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) - hình thức đầu tư nước ngoài chưa từng được áp dụng ở Việt Nam - giữa Tổng cục Bưu điện và hãng Telstra (Australia) được ký kết.

Lãnh đạo ngành khẳng định rằng thị trường viễn thông Việt Nam có sức hấp dẫn và khả năng phát triển rất lớn. Khi đưa công nghệ digital vào Việt Nam, trên cơ sở một mạng viễn thông rất lạc hậu sử dụng công nghệ analog, phải thử nghiệm xem liệu Việt Nam có thể tiếp nhận công nghệ hiện đại hay không? Thực tế cho thấy, việc chuyển từ công nghệ analog sang công nghệ digital là một khả năng hiện thực mặc dù bị cấm vận chúng ta vẫn có khả năng, bằng nhiều cách khác nhau, đưa công nghệ mới vào.

Với 2 trạm Hoa Sen 1 và Hoa Sen 2, hàng chục chuyên gia Liên Xô đã “cắm chốt” ở Việt Nam, làm hết mọi việc từ quản lý đến vận hành. Các kỹ sư Việt Nam chỉ là những người đi theo phụ việc. Vì thế, vấn đề đặt ra là nếu đi thẳng vào công nghệ hiện đại, không có chuyên gia nước ngoài tham gia trực tiếp thì các kỹ sư, chuyên gia Việt Nam có quản lý, điều hành được hay không.

Thực tế qua trạm thông tin vệ tinh VISTA và một số công trình khác như công trình đưa công nghệ Viba số AWA 30 kênh, tổng đài Telex Alpha vào hoạt động những năm 1988-1989, đã khẳng định giai đoạn lắp ráp có thể cần sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài, nhưng trong quá trình quản lý, vận hành thì các kỹ sư, chuyên gia Việt Nam đảm nhận rất tốt.

Theo ông Đỗ Trung Tá, năm 1987, ngành Bưu điện đề xuất "lấy ngoài nuôi trong" bằng cách hợp tác với Úc làm điện thoại quốc tế. Lúc đầu, mỗi bên được 2 triệu USD, tiếp theo là 4,7 triệu và vượt 5 triệu, rồi đến 9,8 triệu USD. Khi có 2 triệu USD, Việt Nam bàn với Úc việc góp vốn, bạn góp 80%, mình góp 20% mua hai tổng đài vệ tinh ở phía Bắc và phía Nam (mỗi cái 5 triệu USD). Sau đó, hợp đồng hợp tác kinh doanh, Úc tiếp tục đầu tư lên tới 97 triệu USD, ăn chia 68/32 (Việt Nam 68%). Từ đó, chúng ta có lợi nhuận để đầu tư tổng đài trong nước.

4 giải pháp chiến lược để ngành Bưu điện đổi mới trong thời gian ngắn
Ngày 23/9/1996, hệ thống điện thoại vô tuyến cố định đầu tiên tại Việt Nam chính thức được khai thác. Ảnh: Tư liệu 

Năm 1995, thấy cách làm ăn tốt, Việt Nam tiếp tục mở BCC về thông tin di động với Comvik của Thụy Điển bởi đây là một nước trung lập. Năm 2005 hết hạn hợp đồng, ngoài việc thu được 550 triệu USD trong 10 năm hợp tác, Việt Nam còn có được tổng tài sản khoảng 200 triệu USD.

Trong lĩnh vực điện thoại nội hạt, chúng ta cũng có hợp đồng hợp tác kinh doanh với Nhật trị giá hơn 200 triệu USD, hợp đồng với Pháp gần 500 triệu USD, với Hàn Quốc là 40 triệu USD. Chính nhờ chủ trương "lấy ngoài nuôi trong" mà ngành Bưu điện đã hiện đại hoá được mạng lưới và xây dựng các doanh nghiệp viễn thông lớn mạnh sau này.

Giải pháp chiến lược để thay đổi cục diện

Ông Mai Liêm Trực cho rằng, ngành Bưu điện đã bước ra khỏi tình trạng công nghệ lạc hậu, không có tiền đầu tư và cơ chế quan liêu bao cấp nhờ 4 giải pháp mang tính chiến lược.

Thứ nhất, ngành Bưu điện kiên quyết đi thẳng vào công nghệ hiện đại chuyển đổi từ analog sang digital. Đây là bước nhảy mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc biến đổi sâu sắc của ngành từ lạc hậu lên hiện đại chỉ với thời gian ngắn.

Thứ hai, ngành Bưu điện đã mềm dẻo, khôn khéo trong quan hệ quốc tế để tự phá bao vây cấm vận, lựa chọn đa dạng hóa các đối tác để tranh thủ vốn, công nghệ phục vụ mục tiêu xây dựng mạng lưới và đào tạo nguồn nhân lực.

Thứ ba, trong bối cảnh còn cơ chế quan liêu bao cấp, đã xây dựng và xin phép Nhà nước được áp dụng cơ chế tự vay, tự trả có sự bảo trợ của nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển.

Thứ tư, ngành đã thực hiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có trình độ năng lực, đáp ứng được yêu cầu đổi mới về công nghệ kỹ thuật, từng bước nâng cao đời sống cán bộ nhân viên với phương châm: “Người Bưu điện sống bằng nghề Bưu điện”.

Tuy nhiên, điểm quan trọng là những chủ trương giải pháp này được đưa ra và thực thi tốt, là động lực cho ngành đổi mới thành công.

Thái Khang

Ngành Bưu điện trước ngày đổi mới: “Đi lên hay chấp nhận đói nghèo?”

Kỳ 1: Ngành Bưu điện trước ngày đổi mới: “Đi lên hay chấp nhận đói nghèo?”

Cũ kỹ, lạc hậu, rơi vào khủng hoảng là tình cảnh của ngành Bưu điện sau khi đất nước bước ra khỏi cuộc chiến. Thực tế này đặt các lãnh đạo trước lựa chọn sống còn.

Chuyển đổi từ Analog sang Digital: Sức mạnh của tư duy đổi mới

Kỳ 2: Chuyển đổi từ Analog sang Digital: Sức mạnh của tư duy đổi mới

Hơn 30 năm trước, đất nước lâm vào một cuộc khủng hoảng và chính tư duy đổi mới mạnh mẽ đã đưa ngành Bưu điện chuyển đổi sang kỹ thuật số thành công.

No comments:

Post a Comment