Facebook đối mặt với làn sóng tẩy chay quy mô lớn khi hàng loạt thương hiệu nổi tiếng tuyên bố ngừng trên nền tảng gây tranh cãi này. Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc này chưa đủ.
Những ngày gần đây, chiến dịch mang tên StopHateForProfit (Ngừng kiếm tiền từ sự thù địch) gây xôn xao khi hàng trăm thương hiệu nổi tiếng tuyên bố ngừng quảng cáo trên mạng xã hội Facebook.
Hơn 100 thương hiệu lớn nói không với quảng cáo Facebook
Chiến dịch này được phát động bởi 6 tổ chức gồm NAACP (Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu - tổ chức dân quyền lớn nhất tại Mỹ), Anti-Defamation League (ADL), Sleeping Giants, Color Of Change, Free Press và Common Sense.
Chiến dịch này kêu gọi “Hãy gửi thông điệp mạnh mẽ tới Facebook rằng không bao giờ quảng bá sự thù địch, phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, bạo lực chỉ vì lợi nhuận”. Ngoài ra, những tổ chức trên cũng yêu cầu các công ty dừng chi tiền cho quảng cáo trên Facebook và Instagram trong tháng 7.
|
Chiến dịch StopHateForProfit nhận được sự hưởng ứng từ hàng loạt thương hiệu lớn. Ảnh: Twitter. |
Chiến dịch này bắt đầu sau khi CEO Jonathan Greenblatt của ADL đăng tải một bức thư trong đó nói rằng đội ngũ của ông đã thấy một quảng cáo trên Facebook của Verizon xuất hiện bên cạnh một video liên quan tới QAnon - thuyết âm mưu cánh hữu kỳ quặc, sai sự thật nói Tổng thống Trump đang chiến đấu chống lại thế lực ngầm trong nhà nước. Đoạn video này nói rằng Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) đang âm mưu nội chiến và nhiều công dân Mỹ đang bị "cách ly tại các khu vực quân sự hóa".
“Facebook đã cho phép kích động bạo lực chống lại người biểu tình đấu tranh vì công lý liên quan tới chủng tộc ở Mỹ sau sự kiện George Floyd, Breonna Taylor, Tony McDade, Ahmaud Arbery, Rayshard Brooks và rất nhiều người khác”, tuyên bố của các tổ chức đứng đầu chiến dịch có đoạn viết. "Họ đã làm ngơ trước sự đàn áp trắng trợn đối với các cử tri trên nền tảng của mình. Họ có thể bảo vệ và ủng hộ những người dùng da màu không? Hoàn toàn có thể. Nhưng họ chọn không làm vậy".
Chiến dịch này được triển khai trong bối cảnh khắp nước Mỹ đang bùng dậy làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc sau vụ George Floyd - một người da màu bị một cảnh sát ở Minneapolis ghì chết vào ngày 25/5.
|
Facebook bị cho là không hành động đủ để ngăn chặn những phát ngôn thù địch, phân biệt đối xử và thông tin sai lệch trên nền tảng của mình. Ảnh: Shutterstock. |
Mới đây, việc CEO Mark Zuckerberg của Facebook từ chối gỡ dòng đăng tải của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có ý nói rằng chính quyền có thể sử dụng vũ lực để đàn áp biểu tình, bị cũng vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội. Trong nội bộ Facebook, một số nhân viên cũng công khai phản đối quyết định của Zuckerberg bằng một chiến dịch trên nền tảng của đối thủ Twitter.
Nhóm 6 tổ chức trên đã quyết định gây áp lực bằng cách đánh vào doanh thu quảng cáo - nguồn thu lớn nhất của Facebook. “99% trong doanh thu 70 tỷ USD của Facebook đến từ quảng cáo”, các tổ chức này cho biết.
Đến nay đã có hơn 100 doanh nghiệp hưởng ứng chiến dịch Stop Hate for Profit, gồm những tên tuổi lớn như Verizon, North Face, Coca-Cola, P&G, Unilever, Viber…
Ngày 26/6, Ben & Jerry’s, Hellman’s và Unilever tuyên bố dừng toàn bộ quảng cáo trên mạng xã hội Facebook tới hết năm 2020. Trước đó, Verizon, Patagonia Inc. và Recreational Equipment Inc. tuyên bố dừng quảng cáo trên nền tảng này đến hết tháng 7.
|
Coca-Cola là một trong những thương hiệu lớn hưởng ứng chiến dịch StopHateForProfit. |
Theo CNBC, trong tháng 5 và tháng 6, Verizon đã chi 1,46 triệu USD cho hoạt động trên quảng cáo trên Facebook. Với quyết định trên, họ cũng sẽ dừng quảng cáo trên Instagram - nền tảng mạng xã hội “anh em” của Facebook.
Theo thống kê, tổng ngân sách dành cho quảng cáo của các thương hiệu tuyên bố ngừng chi tiền cho nền tảng Facebook lên tới 97 tỷ USD.
Tẩy chay quảng cáo liệu đã đủ?
Đây không phải lần đầu các nền tảng mạng xã hội đối mặt với làn sóng tẩy chay từ các nhà quảng cáo.
Tháng 3/2017, hàng loạt công ty lớn tuyên bố ngừng hợp tác với nền tảng chia sẻ video YouTube - thuộc sở hữu của Google do công ty này không đảm bảo được rằng các video quảng cáo của họ không xuất hiện bên cạnh những nội dung thù địch và mang tính xúc phạm.
Trước đó, theo báo cáo của Wall Street Journal, trên các video có nội dung mang tính phân biệt chủng tộc, kỳ thị, bài Do thái xuất hiện quảng cáo của nhiều thương hiệu lớn như Coca-Cola, Amazon.com và Microsoft. Thông tin này châm ngòi cho làn sóng tẩy chay lớn đối với YouTube tại Anh và Mỹ, khiến Google phải lên tiếng khẳng định sẽ phát triển các công cụ và thuật toán tốt hơn để giải quyết vấn đề này.
|
YouTube từng bị hàng loạt thương hiệu lớn tẩy chay vào năm 2017. Ảnh: AP. |
Sau những thông tin được Wall Street Journal đăng tải, PepsiCo, Walmart, Dish, Starbucks và GM đồng loạt rút quảng cáo khỏi nền tảng YouTube. Trước đó, hàng loạt công ty tại châu Âu cũng có động thái tương tự sau khi tờ Times of London lần đầu tiên đưa vấn đề này ra ánh sáng. Phần lớn những công ty này ngừng quảng cáo trên YouTube và các nền tảng quảng cáo sử dụng công nghệ của Google. Điều này đồng nghĩa rằng không chỉ YouTube bị tẩy chay mà hàng loạt nền tảng quảng cáo khác cũng chịu trận.
Tuy nhiên, chuyên gia về truyền thông xã hội Matt Navarra nhấn mạnh về ý nghĩa tượng trưng của làn sóng tẩy chay. Ông cho rằng Facebook có thể bị ảnh hưởng về uy tín trong dài hạn, nhưng ảnh hưởng kinh tế thì lại là chuyện khác.
Năm 2019, chính Facebook cũng từng đối mặt với hàng loạt chỉ trích vì cho phép các chính trị gia nói dối trên nền tảng của mình, yếu kém trong quản lý, bảo mật quyền riêng tư của khách hàng. Tuy nhiên, cũng trong năm đó, Facebook thu được gần 70 tỷ USD doanh thu quảng cáo, tăng 27% so với năm 2018.
|
CEO Facebook Mark Zuckerberg. Ảnh: CNBC. |
Theo giới chuyên gia, nếu các hãng thực sự nghiêm túc về việc gây áp lực với Facebook, họ nên từ bỏ hoàn toàn mạng xã hội này bằng cách xóa trang Facebook của mình.
Đây không phải là điều dễ dàng nhưng nếu như họ vẫn còn trang Facebook thì việc tẩy chay quảng cáo có thể không mang lại hiệu quả. Bởi vì thật vô nghĩa nếu như vẫn duy trì hiện diện trên Facebook nhưng lại không chi tiền để quảng bá các nội dung trên trang.
Theo công ty Jellyfish, nếu không trả tiền, chỉ 1% người theo của một trang Facebook có khả năng xem được các nội dung được đăng tải trên đó.
Điều này đã thay đổi so với thời kỳ đầu, khi Facebook tìm cách thu hút các hãng bằng cách chỉ ra rằng họ có thể tiếp cận được bao nhiêu khách hàng nếu lập một trang Facebook. Sau này, Facebook đã thay đổi thuật toán để các đăng tải của những công ty không trả tiền quảng cáo có ít người xem hơn. Theo các chuyên gia, đây là chiêu “treo đầu dê bán thịt chó” phổ biến ở Thung lũng Silicon.
Theo Zing
Mark Zuckerberg cuối cùng cũng phải nhượng bộ
Bị gần 100 đối tác quay lưng, Mark Zuckerberg cho biết Facebook sẽ siết chặt chính sách quảng cáo và dán nhãn nội dung trên nền tảng của mình.
No comments:
Post a Comment