Thursday, April 2, 2020

Bộ Y tế yêu cầu quản lý, kiểm soát người cách ly tại nhà qua ứng dụng NCOVI

Bộ Y tế vừa yêu cầu các Sở Y tế địa phương chỉ đạo các đơn vị triển khai quản lý và kiểm soát các đối tượng cần cách ly tại nhà, nơi cư trú trên địa bàn, sử dụng ứng dụng khai báo y tế tự nguyện NCOVI.

Cùng với tính năng "Quản lý điểm kiểm soát", tính năng mới "Giám sát cách ly" của ứng dụng NCOVI được đưa lên hệ thống ngày 2/4/2020, phục vụ cho công tác kiểm soát các đối tượng cần cách ly.

Công văn của Bộ Y tế gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai quản lý đối tượng cách ly tại nhà, nơi cư trú vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 ký ban hành hôm nay, ngày 2/4/2020.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát chặt chẽ đối tượng cần cách ly y tế, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị sử dụng ứng dụng NCOVI thực hiện quản lý và kiểm soát các đối tượng cần cách ly tại nhà, nơi cư trú trên địa bàn.

Cụ thể, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố (CDC) rà soát danh sách các đối tượng cách ly trên cơ sở danh sách được cung cấp hoặc điều tra dịch tễ học, cập nhật các thông tin cần thiết vào Hệ thống giám sát dịch Covid-19 tại địa chỉ http://moh.ncovi.vn.

Đồng thời, đôn dốc theo dõi, kiểm tra, giám sát việc cách ly; hướng dẫn các cơ sở y tế tuyến dưới thực hiện quản lý, giám sát các đối tượng cách ly trên địa bàn.

Các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh được yêu cầu thực hiện quản lý, theo dõi đối tượng cách ly trên địa bàn và hỗ trợ, hướng dẫn trạm y tế xã, phường,thị trấn việc quản lý đối tượng cách ly.

Các Trạm y tế xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện xác minh các đối tượng cách ly đã được thông báo trên Hệ thống giám sát dịch bệnh Covid-19; hướng dẫn đối tượng thuộc diện cách ly sử dụng tính năng quản lý cách ly trên ứng dụng NCOVI theo tài liệu hướng dẫn sử dụng; quản lý, theo dõi, kiểm soát các đối tượng cách ly trên địa bàn.

Phục vụ cho công tác kiểm soát các đối tượng cần cách ly, từ hôm nay, ngày 2/4/2020, ứng dụng khai báo y tế tự nguyện toàn dân NCOVI bổ sung 2 tính năng mới là “Giám sát cách ly” và “Quản lý điểm kiểm soát”.

Trong đó, tính năng “Giám sát cách ly” áp dụng cho trường hợp phải cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Sử dụng tính năng này, người được cách ly cần đăng ký bằng nhận diện khuôn mặt; đăng ký vị trí cách ly - có thêm cảnh báo nếu di chuyển quá 100m so với vị trị cách ly; thực hiện điểm danh hàng ngày bằng nhận diện khuôn mặt và được lưu lại trong Lịch sử điểm danh trên ứng dụng NCOVI.

Với “Quản lý điểm kiểm soát”, tính năng mới này cho phép người quản lý (Admin) tạo các tài khoản người kiểm soát (Checker) để thực hiện quét mã QR trên ứng dụng nhằm kiểm soát và phân loại tình trạng của người dân di chuyển ra vào qua các điểm cách ly, điểm kiểm soát như bệnh viện, trường học, công ty... thậm chí cả một tỉnh.

NCOVI là ứng dụng khai báo y tế tự nguyện toàn dân do VNPT và một số doanh nghiệp công nghệ xây dựng. Ứng dụng này được giới thiệu chính thức từ ngày 9/3/2020. Bộ TT&TT và Bộ Y tế khuyến nghị toàn dân sử dụng ứng dụng NCOVI để cung cấp thông tin hỗ trợ ngành y tế nhằm tìm ra các trường hợp cần chú ý để đảm bảo phòng chống dịch một cách chủ động. Dựa trên dữ liệu ứng dụng này gửi về, hệ thống y tế sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, tính đến 13h30 hôm nay, ngày 2/4/2020, ứng dụng NCOVI đã có 4.610.000 lượt tải và 5.119.000 bản ghi khai báo y tế tự nguyện. Đặc biệt, tính năng quét QRCode cũng thu hút được sự chú ý của người dùng với 1.813.000 bản ghi quét mã QR kể từ ngày ra mắt, 26/3/2020 cho đến hôm nay.

Ngoài ra, đại diện Cục Tin học hóa cũng cho biết thêm, tính đến 17h ngày 1/4/2020, Top 10 tỉnh, thành phố có số lượng người dân khai báo y tế tự nguyện trên ứng dụng NCOVI lớn là Hà Nội, Cần Thơ, Hậu Giang, TP.HCM, Bắc Giang, Bến Tre, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Quảng Bình và Nghệ An.

Vân Anh

No comments:

Post a Comment