Thừa nhận không thể cạnh tranh, Huawei nói rằng hệ điều hành của mình cần đến 300 năm nếu muốn vượt qua 2 nền tảng của Google và Apple.
Từ khi bị Bộ Thương mại Mỹ liệt vào danh sách đen tháng 5/2019, Huawei đã cố gắng phát triển, sử dụng các linh kiện không phải của Mỹ. Ngay sau đó, Google đã tuyên bố rút giấy phép sử dụng Dịch vụ di động Google (GMS) cho smartphone Huawei.
|
Nhà sáng lập Huawei khẳng định HarmonyOS được tạo ra trong tình thế bất đắc dĩ. Ảnh: Kyodo. |
Bất chấp việc không có GMS, Huawei vẫn xoay sở bằng cách tạo ra HarmonyOS, hệ điều hành tương thích mọi thiết bị thông minh. Trên các sản phẩm Android mới như Mate 30 hay P40, họ phát triển kho ứng dụng AppGallery thay cho Play Store.
Chắc chắn HarmonyOS không thể cạnh tranh với Android và iOS trong thời điểm này. Trả lời trang Dragon Magazine, CEO kiêm nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi thừa nhận công ty cần đến 300 năm nếu muốn bắt kịp Google và Apple:
"Doanh số thiết bị chạy hệ điều hành Android và Apple (iOS) trên thế giới là rất lớn, và Huawei là kẻ đến sau. Rất khó để người dùng chấp nhận sử dụng hệ điều hành khác. Do đó, nền tảng của Huawei có thể cần một thời gian dài nếu muốn vượt qua Android và Apple, nhưng không quá 300 năm".
Nhà sáng lập Huawei nói rằng HarmonyOS không phải tạo ra để cạnh tranh, chỉ là giải pháp trong tình cảnh bị cấm vận.
Theo Gizchina, tuyên bố trên sẽ gây thất vọng với những người yêu thích thương hiệu Huawei, đặc biệt khi nó đến từ chính nhà sáng lập công ty.
Richard Yu, CEO mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei cho biết Dịch vụ di động Huawei (HMS) đang có mặt tại hơn 170 quốc gia, với hơn 400 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, hơn 1,3 triệu đối tác và lập trình viên.
|
Những chiếc smartphone mới của Huawei vẫn chạy Android, nhưng không có bất cứ dịch vụ của Google. Ảnh: Trọng Hưng. |
Hiện Play Store của Android có hơn 2,1 triệu ứng dụng, trong khi con số trên với Huawei AppGallery chỉ khoảng 55.000. Công ty Trung Quốc sẽ cần rất nhiều thời gian để AppGallery lớn mạnh như Play Store chứ chưa nói đến việc HarmonyOS thay thế Android.
Tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới Huawei vốn là tâm điểm của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ đồng nghĩa công ty này chỉ có thể làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ nếu họ được chính phủ cho phép.
Dù gặp rất nhiều khó khăn, ông Nhậm khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng linh kiện của Mỹ. Thực chất, mẫu smartphone cao cấp P40 Pro đã sử dụng linh kiện giải mã tần số vô tuyến đầu cuối được sản xuất bởi Qualcomm, Skyworks và Qorvo, đều là các công ty của Mỹ.
"Huawei mua 18,7 tỷ USD linh kiện Mỹ vào năm ngoái, tăng mạnh so với 11 tỷ USD năm 2018. Chúng tôi chưa nghĩ đến việc lựa chọn nhà cung ứng khác. Mỹ luôn là người bạn tốt của chúng tôi".
Ông Nhậm nói rằng Huawei có lựa chọn không tiếp tục sử dụng linh kiện Mỹ cho smartphone song vẫn muốn giữ quan hệ tốt đẹp với các nhà cung ứng Mỹ.
"Không thành vấn đề nếu chúng tôi ngừng sử dụng linh kiện Mỹ, nhưng sẽ ra sao nếu khách hàng không mua sản phẩm của chúng tôi?", ông chia sẻ.
Thời gian gần đây, Huawei tập trung quảng bá sản phẩm tại quê nhà Trung Quốc - đất nước vốn không có sự hiện diện rộng rãi của Google. Tuy nhiên với người dùng nước ngoài thì đó là câu chuyện khác.
Mọi người trên thế giới đã quen với Google và Play Store, do đó việc thay thế bằng dịch vụ khác sẽ khiến Huawei gặp bất lợi so với đối thủ. Tóm lại, Huawei có thể thành công tại Trung Quốc, nhưng rất khó tìm chỗ đứng tại nước ngoài trong thời gian này.
Theo Zing
Bất chấp sức ép, ông chủ Huawei vẫn ra tín hiệu làm ăn với Mỹ
Ông Ren Zhengfei nói rằng tập đoàn Huawei không có kế hoạch cắt đứt quan hệ với các nhà cung cấp ở Mỹ.
No comments:
Post a Comment