Một trạm vũ trụ của NASA từng bị mất kiểm soát, nổ tung khi đáp xuống Trái Đất nhưng cơ quan này chỉ bị phạt 400 USD vì tội xả rác.
|
Trạm vũ trụ Skylab được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng vào năm 1973. Cơ quan này dự tính cho Skylab hoạt động trong ít nhất 10 năm, nhưng điều đó đã không xảy ra. Mặt Trời tỏa nhiều năng lượng hơn dự tính, làm tăng lực kéo Skylab về Trái Đất. Ảnh: NASA. |
|
Đêm 11/7/1979, Skylab trở lại Trái Đất rồi nổ tung trên vùng biển Ấn Độ Dương, hướng về phía tây Australia. Mảnh vụn của trạm vũ trụ 85 tấn vương vãi khắp cánh đồng và thị trấn nhỏ. Dù không ai bị thương, thị trấn Esperance (Australia) đã phạt 400 USD với NASA vì tội xả rác. Tuy nhiên cơ quan này không trả tiền. Đến năm 2009, một đài phát thanh tại California (Mỹ) mới thanh toán mức phạt này. Ảnh: State Library of Western Australia. |
|
Không chỉ Skylab, từng có nhiều trường hợp vật thể từ không gian rơi xuống Trái Đất một cách mất kiểm soát. Ngày 10/11/2013, vệ tinh GOCE của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã bốc cháy rồi lao xuống Đại Tây Dương do hết nhiên liệu một tháng trước. Theo Space, GOCE được dùng để lập bản đồ lực hút Trái Đất. Trước đó, các nhà khoa học lo ngại rằng vệ tinh nặng 1 tấn có thể rơi xuống đất liền. Ảnh: Space. |
|
Vệ tinh nghiên cứu khí quyển (UARS) được NASA phóng vào tháng 9/1991 bằng tàu con thoi Discovery để phân tích tầng ozon của Trái Đất. Tháng 12/2005, vệ tinh nặng 6,5 tấn, trị giá 750 triệu USD được NASA cho dừng hoạt động trước khi rơi tự do xuống Trái Đất vào tháng 9/2011. Trong khi phần lớn vệ tinh bị cháy rụi, khoảng 532 kg còn lại của UARS đã rơi xuống phía Canada, châu Phi, một số vùng ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Ảnh: NASA. |
|
NASA phóng vệ tinh Pegasus 2, nặng 11,6 tấn vào năm 1965 để nghiên cứu các tiểu hành tinh bay quanh Trái Đất. Dữ liệu được Pegasus 2 gửi về NASA trong khoảng 3 năm, sau đó vẫn giữ quỹ đạo quay trong 11 năm. Ngày 3/11/1979, vệ tinh trở lại Trái Đất rồi nổ tung, các mảnh vỡ của nó lao xuống giữa Đại Tây Dương. Ảnh: NASA. |
|
Hoạt động trong 9 năm từ 1971 đến 1982, Salyut 7 là trạm vũ trụ cuối cùng trong chương trình Salyut của Liên Xô. Ngày 7/2/1991, trạm vũ trụ 22 tấn bị mất kiểm soát, rơi xuống Trái Đất sau một thời gian rời khỏi quỹ đạo khi vẫn kết nối tàu vũ trụ Cosmos 1686. Cả 2 bị đốt cháy rồi nổ tung trên bầu trời Argentina, một số mảnh vỡ được tìm thấy ở vùng Capitan Bermudez, không có thương vong về người được báo cáo. Ảnh: Space Age. |
|
Ngày 1/2/2003, tàu con thoi Columbia đã nổ tung trên bầu trời Texas (Mỹ) khi quay lại Trái Đất khiến 7 phi hành gia tử nạn. Điều tra cho thấy thời điểm 82 giây sau khi con tàu nặng 100 tấn cất cánh, một miếng bọt cách nhiệt rơi vào tấm ván làm bằng sợi carbon, gây thủng cánh tàu và hư hại hệ thống bảo vệ thân nhiệt khi nó đang ở vận tốc 28.968 km/h. Dù không ai trên mặt đất bị thương, sự kiện Columbia đánh dấu thảm họa chết người thứ 2 trong chương trình tàu con thoi của NASA. Ảnh: NASA. |
|
Cosmos 954, vệ tinh bí mật của Hải quân Liên Xô dùng để do thám tàu ngầm hạt nhân Mỹ, được phóng ngày 18/9/1977 bị mất kiểm soát. Ngày 24/1/1978, vệ tinh nặng 3,8 tấn lao xuống phía tây bắc Canada, khiến các mảnh vụn phóng xạ nằm rải rác trên khu vực lớn. Chính phủ Canada yêu cầu Liên Xô thanh toán 6 triệu USD cho chiến dịch tìm kiếm và dọn dẹp, tuy nhiên quốc gia này chỉ chấp nhận trả 3 triệu USD. Ảnh: NASA. |
|
Ngày 27/7/2016, một tên lửa đẩy Long March 7 (Trường Chinh 7) của Trung Quốc đã rơi tự do, nổ tung trên bầu trời phía tây nước Mỹ. Hình ảnh vệt sáng do tên lửa tạo ra trên bầu trời được chia sẻ rộng rãi trên Internet. Chuỗi tên lửa Long March là một phần trong kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ ngoài không gian của Trung Quốc. Ảnh: Matt Holt. |
|
Trạm vũ trụ Tiangong 1 (Thiên Cung 1) của Trung Quốc nổ tung trên bầu trời phía nam Thái Bình Dương vào ngày 1/4/2018. Trạm vũ trụ nặng 8 tấn được phóng vào năm 2011, đón tiếp 2 phi hành đoàn từ 2012-2013 trước khi hoàn tất nhiệm vụ. Tháng 3/2016, Trung Quốc mất liên lạc với Tiangong 1, để trạm vũ trụ rơi tự do vì lực hút Trái Đất. Ảnh: CMSA. |
Theo Zing/Space
No comments:
Post a Comment