Người tạo, người mua và người cổ động, đây chính là ba thành phần quan trọng đứng sau những đồng “coin rác” nổi đình đám thời gian qua.
Ba chân kiềng của “coin rác”: Người tạo, người mua và người cổ động |
Eric Hackneys đã chi 500 USD cho đồng tiền ảo mang tên ASS Coin. Ông bố hai con, 38 tuổi, thất nghiệp này không phải người duy nhất mơ mộng làm giàu từ tiền ảo. Với số tiền ít ỏi như vậy, ông vẫn “dắt túi” 20 tỷ ASS Coin.
Những người như Hackney là “The Buyer - người mua”, một trong ba thành phần chính trong giới “coin rác”.
Thuật ngữ “coin rác” ám chỉ các đồng tiền ảo vừa xuất hiện, ít người biết tới, chưa được xem trọng giá trị, chưa lên sàn, chưa được tiếp thị. Bitcoin những ngày đầu mới phát hành (năm 2009) cũng có thể xem như thuộc loại này.
Tất cả những gì Hackneys muốn chỉ là nhanh chân hơn một chút trước khi mọi người đổ xô vào đồng ASS Coin. Có hàng triệu người như ông, là dân đầu tư nghiệp dư, ưa mạo hiểm, thường giao dịch hòng tìm kiếm lợi nhuận trên các ứng dụng như Robinhood, Mango Mai Tai hay Woodford Reserve.
Để có “người mua”, phải có “người kiến tạo” – The Creator. Họ có thể là bất cứ ai, chẳng hạn như Fab - một người quốc tịch Canada đang sống tại Thái Lan. Sau khi giao dịch vài đồng tiền ảo của người khác, Fab quyết định tự tạo ra một đồng riêng mang tên SuperDoge.
SuperDoge cho đặt trước với số lượng hạn chế, được quảng cáo là cơ hội cho những người mua nhanh tay. Ai bấm nút mua nhanh hơn sẽ có nó. Fab và nhóm của mình cũng đầu tư vào SuperDoge. Cho tới lúc này, Fab đã chi hơn 150.000 USD cho coin do mình sáng tạo. Fab mơ về việc xây dựng đồng SuperDoge thành thương hiệu toàn cầu, tương tự truyện tranh Marvel.
“Chân kiềng” cuối cùng chính là “người cổ động” – The Promoter. Pablo Heman, cựu nhân viên ngân hàng đầu tư, là một người cổ động như vậy. Trong các video trên TikTok, Heman giải thích cách biến 1.000 USD thành 1 triệu USD chỉ trong một năm nhờ giao dịch tiền ảo. Heman có hơn 370.000 người theo dõi TikTok, thu từ 5.000 tới 10.000 USD của “người kiến tạo” cho mỗi phi vụ quảng bá.
Theo Bloomberg, giá trị của các đồng “coin rác” tăng mạnh trong vòng 1 năm gần đây. Chẳng hạn, đồng Meme tăng hơn 3.000% từ tháng 8/2020, PooCoin tăng gấp đôi trong một tháng, SafeMoon tăng hơn 56.000% kể từ khi ra mắt đầu tháng 3. Dữ liệu của Dune Analytics chỉ ra chỉ riêng năm 2021, đã có gần 10.000 coin mới được tạo.
Nic Carter, đồng sáng lập hãng nghiên cứu Coin Metrics, đối tác tại hãng đầu tư mạo hiểm Castle Island Ventures, nhận định “coin rác” mang tính toàn cầu, 24/7 và hoàn toàn không bị quản lý. Trên các sàn như UniSwap, PancakeSwap, người dùng có thể mở một “chợ” và tạo coin một cách dễ dàng. Họ làm điều đó vì có cơ hội kiếm được rất nhiều tiền một cách nhanh chóng, với tỉ lệ sinh lời lên tới hàng ngàn phần trăm, theo Carter. Tất nhiên, không có coin nào tồn tại được lâu dài.
Nếu Fab đi đúng hướng, SuperDoge có thể là một ngoại lệ. Tạo ra coin mới không kiếm được nhiều tiền theo tiêu chuẩn của Phố Wall, song một yếu tố quan trọng mà những “người kiến tạo” muốn dựa vào là “cơn sốt”. Fab tiết lộ đã chi 150.000 USD trong 20 ngày cho những người có ảnh hưởng (influencer), tiếp thị và quảng cáo để quảng bá SuperDoge vài tuần trước khi tạo. Ngoài ra, còn mất 25.000 USD để đưa coin lên sàn. Mục tiêu của Fab là tạo ra cơn sốt lớn nhất có thể cũng như nỗi sợ bị bỏ lỡ của mọi người.
Fab khẳng định SuperDoge an toàn, có website riêng, một vài tài khoản trên mạng xã hội và đóng góp 2% mỗi giao dịch cho từ thiện. Trước khi phát hành, coin được quảng bá trên Facebook, 4chan, Telegram. Fab cũng thuê một số người nổi tiếng trên TikTok, YouTube, hợp tác với vài tờ báo. Sau khi đạt giá trị chót vót vào cuối tháng 4, SuperDoge đã “trở lại mặt đất”.
Heman xác định mức độ uy tín của người đứng sau “coin rác” dựa vào mức độ chịu chi của họ. Chẳng hạn, nếu ai đó trả số tiền lớn cho 10 người nổi tiếng trên YouTube, Instagram và Twitter, tiềm lực của họ “không phải dạng vừa”. Dù vậy, Heman cũng thừa nhận nó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, 90% những gì bạn không nhìn thấy nằm ở phía dưới.
Mãi tới gần đây, Heman vẫn là nhà đầu tư truyền thống vào cổ phiếu và bất động sản. Ông mới mở tài khoản TikTok hồi tháng 1 và bắt đầu thâm nhập giới tiền ảo. Ông bắt đầu “đặt cược” bằng vài trăm USD, hầu hết vào các coin chưa có triển vọng. “Về cơ bản, tôi nghĩ sao không thể đặt 50 hay 100 đồng vào một trong những thứ này, có thể nó sẽ cất cánh”.
Trên sàn DeFi, mọi rào cản gia nhập tiền ảo cũ đều sụp đổ. 10 năm trước, tạo ra một tiền ảo đáng tin cậy đồng nghĩa phải thuyết phục một sàn tập trung hóa như Coinbase, Binance niêm yết coin của bạn. Song, DeFi khác hoàn toàn, nó là sàn phi tập trung. Tất cả làm tăng khả năng cho nhiều kẻ lừa đảo đến và đi hết lần này tới lần khác. Chiêu thức không mới: ra mắt tiền mới, trả tiền quảng bá, thu hút đám đông đổ tiền và giá tăng chóng mặt, rút vội.
Dù sao đi nữa, những sàn như Robihood, DeFi có lẽ đã thay đổi giới tiền ảo theo một hướng tốt hơn. Ramy Bekhiet, 27 tuổi, thường xem tivi và chơi game sau giờ làm việc. Nay, anh chỉ làm từ 7 giờ sáng tới giờ chiều, sau đó bắt đầu ca thứ hai: giao dịch từ 4 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Từ năm 2017, anh đầu tư vào Bitcoin, Ethereum, XRP. Số tiền thu được đủ để anh mua được một căn hộ 5 phòng ngủ, 2 phòng tăm, 2 phòng khách, 1 phòng tắm nắng và 1 tầng hầm. Anh cũng đổ tiền vào Dogecoin, Shiba Inu, Elongate. Biến động thị trường khiến tiền ảo giảm sâu, theo Bekhiet, là một cơ hội để mua vào với giá giảm.
Du Lam (Theo Bloomberg)
Dự án 'coin rác' đằng sau lời mời gọi của Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn
Các chuyên gia nhận định FXT Token nằm trong danh sách mà Ngọc Trinh, Nam Thư, Kiều Minh Tuấn quảng bá là dự án lừa đảo, hoạt động theo mô hình đa cấp.
No comments:
Post a Comment