Wednesday, May 12, 2021

Lại rộ trò lừa tag tên cướp tài khoản Facebook

Nếu bị tag tên bởi một người lạ trên Facebook, người dùng cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối không truy cập vào đường link mà đối tượng đáng ngờ đăng tải. 

Sau một thời gian im ắng, trò lừa tag tên trên Facebook dường như đang có dấu hiệu quay trở lại. Bất kỳ người dùng mạng xã hội nào cũng có thể trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này. 

Theo chia sẻ của anh Phan Vĩnh (Lĩnh Nam, Hà Nội), khoảng 1 tuần gần đây, anh liên tục bị tag (đánh dấu) vào các bài đăng trên mạng xã hội Facebook. Tất cả những bài đăng này đều có chung nội dung liên quan đến 1 vụ tai nạn. Ngoài thông tin về tên của nạn nhân, bài viết còn gửi kèm 1 đường link như để người dùng tự kiểm chứng về độ chính xác. 

“Tôi quen nhiều người có tên giống nạn nhân, bài đăng không đầy đủ họ tên nên không thể dám chắc là ai cả. Hơn nữa, tôi không biết người tag mình là ai nên đã bỏ qua những bài đăng đó”, anh Vĩnh nói. 

{keywords}
Người dùng cần cảnh giác khi bị tag vào các bài đăng trên Facebook bởi người lạ. Ảnh: Trọng Đạt

Anh Vĩnh đã đưa ra một quyết định chính xác bởi nếu click vào đường link, rất có thể anh sẽ bị biến thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Đây là một thủ đoạn không mới khi nhiều kẻ gian cố tình tạo dựng lên một website giả và lừa người dùng truy cập. 

Một khi đã click vào đường link đính kèm với bài viết, người dùng sẽ được yêu cầu đăng nhập (thường bằng tài khoản Facebook, Google) để xem tiếp nội dung. Lúc này kẻ xấu, sẽ có trong tay mật khẩu tài khoản của họ để dùng chúng vào những mục đích không trong sáng. 

Ngoài nguy cơ mất tài khoản, nạn nhân còn có nguy cơ bị lộ lọt các thông tin đời tư cá nhân, hình ảnh nhạy cảm,... Không chỉ vậy, kẻ xấu còn có thể thông qua tài khoản của nạn nhân để lừa đảo vay tiền bạn bè họ. 

Thông thường, những bài đăng lừa đảo có mô típ khá quen thuộc, với nội dung khơi gợi sự tò mò của người dùng. Những bài đăng này thường đi kèm với một đường link dẫn đến một trang web khác. Đây là đặc điểm đầu tiên mà người dùng cần chú ý.

{keywords}
Kẻ xấu thường sử dụng những đường link mạo danh các cơ quan báo chí để lừa người dùng truy cập vào website giả mạo. Ảnh: Trọng Đạt

Người dùng cũng cần cảnh giác khi bị tag bởi các tài khoản lạ. Nếu thấy bài đăng được tag một số lượng lớn người dùng (thường là 99 người), tuyệt đối không ấn vào đường link bởi đó chắc chắn là một nội dung lừa đảo. 

Ngoài ra ra, nếu vô tình truy cập vào một đường link lạ, người dùng không nên đăng nhập tài khoản Facebook, Google, tài khoản ngân hàng,... khi nhận được yêu cầu, dù là với website nào.

Thực tế cho thấy, kẻ xấu rất hay sử dụng một trang web giả có giao diện như thật để đánh cắp thông tin, đặc biệt là mật khẩu tài khoản Facebook, ngân hàng,... Do vậy, người dùng chỉ nên đăng nhập các tài khoản nhạy cảm khi tự mình chủ động truy cập vào trang web của các dịch vụ đó. 

Để cẩn thận hơn, với những website liên quan đến dịch vụ tài chính, ngân hàng, người dùng nên gắn sao (bookmark) các trang web này lên thanh dấu trang của trình duyệt.

Khi ai đó hỏi vay tiền bạn trên Facebook, chớ vội tin tưởng mà hãy gọi trực tiếp tới người đó (hoặc thông qua một ứng dụng khác) để kiểm chứng lại thông tin này. Chỉ có cảnh giác như vậy, người dùng mới thoát khỏi “nanh vuốt” của những kẻ lừa đảo trên mạng. 

Trọng Đạt

Cảnh giác tiền ảo núp bóng đa cấp được nghệ sĩ Việt quảng cáo

Cảnh giác tiền ảo núp bóng đa cấp được nghệ sĩ Việt quảng cáo

Trong cùng ngày, nhiều nghệ sĩ Việt đăng bài quảng cáo cho một loại tiền ảo được cho là của một sàn đa cấp tiền ảo mà nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.

No comments:

Post a Comment