Vào tối ngày 2/4, chủ đề 'H&M liên quan đến bản đồ có vấn đề' đã bất ngờ đứng top tìm kiếm nóng trên mạng xã hội Weibo Trung Quốc. Tính đến 9h30 sáng ngày 3/4, chủ đề này đã tiếp cận lên tới 410 triệu lượt đọc.
Nguồn tin ban đầu được tài khoản WeChat của Netcom Thượng Hải đăng tải, tiết lộ sự việc một người dùng mạng gần đây đã báo cáo với nhà chức trách về “bản đồ Trung Quốc có vấn đề” trên trang web chính thức của H&M (hm.com). H&M đã tiến hành chỉnh sửa bản đồ ngay khi nhận được yêu cầu từ nhà chức trách Trung Quốc.
|
Tin tức được báo đài Trung Quốc và người nổi tiếng chia sẻ kèm bản đồ thể hiện 'đường lưỡi bò' (Ảnh chụp màn hình) |
Tin tức này sau đó đã được Nhân Dân nhật báo, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) và nhiều báo đài khác liên tục dẫn lại. Nội dung cụ thể như sau:
"Gần đây, cư dân mạng báo cáo với nhà chức trách rằng trên trang web chính thức của H&M (hm.com) xuất hiện một 'bản đồ Trung Quốc có vấn đề'. Cục Quy hoạch và tài nguyên thiên nhiên thành phố Thượng Hải ngay lập tức yêu cầu H&M nhanh chóng cải chính.
Sau khi nhận được thông báo, Công ty TNHH thương mại Haines Morris (Haynes Morris Commercial Thượng Hải) - công ty vận hành trang web chính thức của H&M - đã sửa chữa sai lầm ngay lập tức. Cục Quy hoạch và tài nguyên thiên nhiên thành phố và Văn phòng thông tin Internet thành phố Thượng Hải đã có buổi làm việc chung với họ.
Trong cuộc trao đổi, hai cơ quan đã nghiêm túc chỉ ra hành vi vi phạm pháp luật và quy định của H&M, ra lệnh cho họ thiết lập mạng phù hợp với luật, học tập nghiêm túc 'Luật an ninh mạng Trung Quốc', 'Luật đo vẽ bản đồ Trung Quốc', 'Điều lệ quản lý bản đồ'... cùng các luật và quy định khác, xây dựng vững chắc ý thức về bản đồ quốc gia, thực hiện chính xác 'quy phạm sử dụng bản đồ một chút cũng không thể sai'.
Hai cơ quan yêu cầu và xác định rõ rằng người phụ trách chính của doanh nghiệp phải chủ trì công tác chấn chỉnh, thực hiện trách nhiệm chính quản lý nội dung trang web. Cơ quan quản lý sẽ triển khai đốc thúc giám sát việc này trong thời gian tới. Công ty (H&M) cho biết đã tiếp thu lời nhắc nhở của cơ quan quản lý và sẽ triển khai chỉnh sửa thiết thực”.
Đến tối ngày 3/4, đây vẫn là chủ đề nóng được nhắc đến trên các mạng xã hội Trung Quốc cũng như tại Việt Nam. Trong đó, nhiều cư dân mạng Việt Nam vẫn đang chia sẻ hình ảnh, hashtag với thông tin H&M đăng tải bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc và kêu gọi tẩy chay thương hiệu này.
Vậy thực chất “bản đồ có vấn đề” đang được báo chí Trung Quốc đề cập là gì? Có liên quan thế nào đến “đường lưỡi bò” phi pháp như người dùng Việt Nam đang lên án?
Hiện không rõ phía Trung Quốc yêu cầu H&M chỉnh sửa nội dung cụ thể nào, hay bắt buộc phải thể hiện “đường lưỡi bò” trong bản đồ trước đó, nhưng theo nhà chức trách Trung Quốc, bản đồ không có số thứ tự hoặc vẽ sai ranh giới quốc gia (bao gồm ‘đường lưỡi bò’), bỏ sót các đảo nghiêm trong như đảo Điếu Ngư, đảo Chiwei, đảo Hải Nam, đảo Hải Nam khác với đất liền, và Đảo Đài Loan là “có vấn đề”.
Tuy nhiên, có thể thấy hầu hết các bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc và một số báo, đài đăng tải đi kèm bản đồ cho thấy có chèn vào “đường lưỡi bò” phi pháp. Như vậy, từ những thông tin này có thể thấy phía Trung Quốc đã yêu cầu H&M chỉnh sửa “bản đồ có vấn đề” để phù hợp với bản đồ theo quan điểm của nước họ - vốn chèn vào đường lưỡi bò phi pháp. Hiện vẫn chưa có thông tin H&M khẳng định đã chính thức sửa hay chưa.
"Bản đồ có vấn đề" là gì?
Cái gọi là "bản đồ có vấn đề" về lãnh thổ Trung Quốc mà Bắc Kinh tự đưa ra là những bản đồ: Thiếu quần đảo Điếu Ngư/Senkaku (đang tranh chấp với Nhật Bản), có phần đảo Đài Loan tô màu khác, mất đường lưỡi bò (phi pháp) trên Biển Đông, và thiếu một số phần lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ.
Bắc Kinh vẫn theo đuổi yêu sách đường cửu đoạn (đường lưỡi bò) do nước này tự vẽ ra và tìm cách tuyên truyền với nhiều hình thức thời gian qua, bất chấp phán quyết về Biển Đông năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế.
Yêu sách này đã bị nhiều nước bác bỏ vì không có cơ sở pháp lý và vô lý khi chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông và chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác.
Phong Vũ
Theo ictnews.vietnamnet.vn
No comments:
Post a Comment