Các công ty niêm yết trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ hàng công nghệ tại Việt Nam như FRT, Digiworld, Thế Giới Di Động đều ghi nhận doanh thu tăng so với cùng kỳ.
Ngành bán lẻ công nghệ tại Việt Nam phục hồi trong quý 1/2021 sau những nỗ lực phòng chống Covid-19 có hiệu quả. Các công ty niêm yết trong lĩnh vực này đều có tình hình kinh doanh khả quan trong 3 tháng đầu năm.
|
Khách mua hàng bên trong một siêu thị bán hàng công nghệ ở TP.HCM. (Ảnh: Hải Đăng) |
Theo báo cáo của Công ty CP Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT), doanh nghiệp này đạt doanh thu 4.665 tỷ, tăng 14% so với cùng kỳ và tăng 19% so với quý 4 năm 2020, hoàn thành 28% kế hoạch năm 2021.
Trong đó, chuỗi bán lẻ FPT Shop như thường lệ vẫn đóng góp doanh thu chủ đạo cho FRT, ở mức 4.083 tỷ đồng, tăng 6%.
Long Châu, chuỗi nhà thuốc được FRT xác định là động lực tăng trưởng mới, đạt doanh thu 582 tỷ đồng, tăng trưởng 144% so với cùng kỳ.
Công ty cũng ghi nhận sự hồi phục của lợi nhuận trước thuế, với 39 tỷ đồng, tăng 265% so với quý trước. Tuy vậy, so với quý 1/2020, mức lợi nhuận này giảm 17%.
Công ty CP Thế Giới Số (HOSE: DGW) có kết quả kinh doanh quý 1 tốt nhất từ trước đến nay. Nhà phân phối hàng công nghệ trong top 3 tại Việt Nam đạt doanh thu 5.007 tỷ và lợi nhuận sau thuế107 tỷ đồng, tăng lần lượt 117% và 137% so với cùng kỳ.
Để có kết quả này, tất cả các ngành hàng mà DGW phân phối bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay, thiết bị văn phòng, hàng tiêu dùng đều tăng trưởng.
Trong quý 1, điện thoại di động là ngành hàng có sự tăng trưởng vượt trội nhất và cũng là ngành đóng góp lớn nhất vào doanh thu cho Dìgiworld. Con số tăng trưởng của ngành điện thoại di động trong quý này được ghi nhận là 2.833 tỷ đồng, tức tăng 148% - tăng trưởng 3 con số so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên do là sự ra mắt của các mẫu điện thoại Xiaomi mới và đóng góp không nhỏ của những dòng iPhone cùng việc quý 1 rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán - là dịp người Việt Nam có nhu cầu mua sắm điện thoại cũng như thiết bị công nghệ mới rất lớn.
Ngành máy tính xách tay và máy tính bảng cũng tăng trưởng 74%, thu về doanh thu 1.375 tỷ đồng. Ngành hàng thiết bị văn phòng tăng 128%, giúp Digiworld thu về 718 tỷ doanh thu thuần. Riêng hàng tiêu dùng tăng 29%, với doanh thu 81 tỷ đồng.
Thế Giới Di Động (HOSE: MWG), chuỗi bán lẻ chiếm thị phần lớn nhất hiện nay, ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 30.827 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 1.337 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ). Với kết quả này, công ty hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và 28% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong đó, hai chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh không tăng trưởng so với quý trước, đóng góp hơn 80% doanh thu cho cả tập đoàn. Riêng chuỗi Bách hoá Xanh tăng trưởng 32% doanh thu so với cùng kỳ, góp hơn 19% doanh thu cho MWG.
Quý 1 thường là quý thành công nhất trong năm của các đơn vị bán lẻ do nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Ngoài ra, dịch Covid-19 được khống chế thành công tại Việt Nam cũng góp phần lớn trong động lực chi tiêu của người dân.
Hải Đăng
Thương mại điện tử và bán lẻ Việt Nam sẽ tăng trưởng bất chấp đại dịch
Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử, năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng 15% với quy mô 13,2 tỷ USD và sẽ tăng trưởng vững chắc trong năm 2021.
No comments:
Post a Comment