Thursday, April 1, 2021

Huawei có mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất trong thập kỷ qua

Theo báo cáo vừa được đưa ra ngày 31/3 cho thấy, Huawei đã tạo ra 136,7 tỷ USD doanh thu cho tập đoàn trong năm 2020, tăng 3,8% so với năm trước, đây được cho là mức tăng trưởng hàng năm thấp nhất trong thập kỷ qua.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 31/3, ông Ken Hu Houkun, Chủ tịch luân phiên của Huawei cho biết: “Trong năm qua, chúng tôi đã vững vàng khi đối mặt với nghịch cảnh. Chúng tôi đã không ngừng đổi mới để tạo ra giá trị cho khách hàng, giúp chống lại đại dịch và hỗ trợ cả quá trình phục hồi kinh tế và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.”

{keywords}
Ken Hu Houkun, Chủ tịch luân phiên của Huawei, báo cáo kết quả năm 2020 của Huawei vào ngày 31/3.

Theo báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Tập đoàn kiểm toán KPMG cho biết, Huawei đã đạt doanh thu 891,4 tỷ nhân dân tệ (136,7 tỷ USD) trong năm 2020, tăng 3,8% so với một năm trước, đây được xem là mức tăng trưởng doanh thu hàng năm thấp nhất trong thập kỷ qua. Trong đó, doanh thu từ thị trường Trung Quốc chiếm 65,6% tổng doanh thu với mức tăng trưởng doanh thu tại thị trường nội địa đạt 15,4% so với năm 2019.

Trong khi mức tăng trưởng tại thị trường nội địa tăng cao thì tại các thị trường nước ngoài có mức tăng trưởng âm, với doanh số bán hàng giảm 12,2% tại các thị trường Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông, trong khi doanh số bán hàng tại Châu Á - Thái Bình Dương cũng giảm 8,7%. Sự suy giảm doanh số tại các thị trường nước ngoài cho thấy những khó khăn mà Huawei đang gặp phải sau khi bị chính quyền Washington đưa ra các các biện pháp trừng phạt thương mại vì lo ngại an ninh quốc gia.

Trong một cuộc họp báo sau khi công bố kết quả của công ty, ông Ken Hu Houkun nói rằng, mặc dù doanh thu từ điện thoại thông minh giảm trong năm ngoái, nhưng thu nhập từ các loại phần cứng, phần mềm và dịch vụ khác đã tăng lên. “Tôi tin rằng các bạn sẽ thấy nhiều sản phẩm phần cứng, phần mềm và dịch vụ hơn từ Huawei”, ông nói. Điều này đề cập đến cái gọi là chiến lược 1 + 8 + N của Huawei nhằm phát triển một hệ sinh thái các sản phẩm kỹ thuật số ngoài điện thoại thông minh.

Ba mảng kinh doanh chủ chốt của Huawei bao gồm nhóm kinh doanh tiêu dùng, nhóm kinh doanh hạ tầng viễn thông và nhóm kinh doanh doanh nghiệp đã tạo ra doanh thu lần lượt là 482,9 tỷ nhân dân tệ (75,05 tỷ USD), 302,6 tỷ nhân dân tệ (46,4 tỷ USD) và 100,3 tỷ nhân dân tệ (15,4 tỷ USD), tương ứng với mức tăng trưởng là 3,3%, 0,2% và 23%.

Lợi nhuận ròng tăng 3,2% lên 64,6 tỷ nhân dân tệ (9,9 tỷ USD) trong năm 2020, với tỷ suất lợi nhuận ròng là 7,3%. Trong sáu tháng đầu năm 2020, tỷ suất lợi nhuận ròng của công ty là 9,2%.

Ông Ken Hu Houkun cho biết thêm, Huawei hài lòng với hoạt động của mình tại thị trường Trung Đông, nơi đóng góp “quan trọng” vào doanh thu của tập đoàn. Công ty đang dự báo tăng trưởng "tích cực" ở các thị trường nước ngoài vào năm 2021 khi đại dịch được kiểm soát, nhưng ông từ chối đưa ra bất kỳ con số cụ thể nào.

Huawei cho biết họ đã đầu tư 141,9 tỷ nhân dân tệ (21,7 tỷ USD), tương đương 16,7% doanh thu cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D) vào năm ngoái. Khoản đầu tư tích lũy cho R&D của Huawei trong thập kỷ qua đã lên tới 720 tỷ nhân dân tệ (110,4 tỷ USD).

“Huawei không theo đuổi tỷ suất lợi nhuận, thay vào đó chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển,” Shi Yanli, Phó Giám đốc tài chính của Huawei cho biết.

Năm ngoái được cho là một trong những thách thức lớn nhất trong lịch sử gần đây của Huawei. Việc chính quyền Washington đưa Huawei vào Danh sách thực thể đã hạn chế khả năng mua phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ các nhà cung cấp Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Điều đó đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh mảng điện thoại thông minh của Huawei, vốn bị thiếu chất bán dẫn cao cấp, và dẫn đến quyết định của công ty vào tháng 11 năm ngoái là bán mảng kinh doanh điện thoại thông minh Honor cho một tập đoàn khác.

Bryan Ma, Phó Chủ tịch bộ phận nghiên cứu thiết bị khách hàng của IDC cho biết, chắc chắn sẽ có áp lực giảm đối với nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei trong năm nay, không chỉ do nguồn dự trữ linh kiện điện thoại thông minh ngày càng giảm mà còn vì mảng kinh doanh điện thoại từ Honor sẽ không còn đóng góp vào doanh thu của công ty.

“Thật ấn tượng khi PC, máy tính bảng và thiết bị đeo có thể bù đắp một số khoản lỗ đó vào năm ngoái, nhưng khó khăn vẫn đang theo đuổi Huawei do không chỉ rủi ro chuỗi cung ứng đang diễn ra mà còn cả sự cạnh tranh gay gắt đến từ các nhà cung cấp như Lenovo và Apple, ” ông Bryan Ma cho biết thêm.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Counterpoint cho thấy, do vấn đề cung cấp chipset, Huawei đã tụt hạng trong bảng xếp hạng các thương hiệu điện thoại thông minh toàn cầu trong quý 4 năm ngoái, khi xuất xưởng 33 triệu chiếc trên toàn cầu - giảm 41% so với một năm trước đó - để xếp hạng là nhà cung cấp lớn thứ sáu thế giới. Trong khi đó, công ty nghiên cứu TrendForce cho rằng, đây là lần đầu tiên sau sáu năm Huawei trượt khỏi top 5, và năm nay công ty dự kiến sẽ tụt xuống vị trí thứ bảy.

Trong cuộc họp báo với giới truyền thông, ông Ken Hu Houkun lưu ý rằng, mảng kinh doanh tiêu dùng của công ty luôn thu hút rất nhiều sự chú ý, đặc biệt là điện thoại thông minh, nhưng ông từ chối dự báo về sự tăng trưởng trong tương lai của công ty. Ông nói: “Hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Chúng tôi chưa nhìn thấy một bức tranh rõ ràng về chuỗi cung ứng, vì vậy ở giai đoạn hiện tại, chúng tôi không thể đưa ra dự báo về sự phát triển kinh doanh điện thoại thông minh của mình”.

Tuy nhiên, Ken Hu Houkun cho biết lịch trình ra mắt điện thoại hàng đầu mới của Huawei sẽ được giữ nguyên. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng điện thoại thông minh của Huawei vẫn có thể duy trì vị trí dẫn đầu trên thị trường”.

Trong bối cảnh đấu tranh với các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, Huawei đã thực hiện một cuộc cải tổ trong điều hành quản lý đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực như các dịch vụ đám mây và trí tuệ nhân tạo, một sự thay đổi có thể củng cố các bước tiến của công ty vào các thị trường tăng trưởng mới như xe thông minh.

Đối thủ cạnh tranh trong nước của Huawei về điện thoại thông minh, Xiaomi Corp cũng đang tham gia vào cuộc cạnh tranh trong ngành công nghiệp xe thông minh với việc công bố khoản đầu tư tăng lên 10 tỷ USD trong thập kỷ tới thay vì công bố ban đầu 1,5 tỷ USD.

Phan Văn Hòa (theo SCMP)

Huawei tìm lối thoát giữa đòn ‘phong sát’ của Mỹ

Huawei tìm lối thoát giữa đòn ‘phong sát’ của Mỹ

6 tháng sau khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giáng đòn quyết định, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei phải xoay sở tìm lối thoát ở những mảng miếng kém hào nhoáng hơn.  

No comments:

Post a Comment