Monday, April 12, 2021

Đầu tư vào cổ phiếu công ty công nghệ Việt

Cổ phiếu của các công ty công nghệ đang trở thành món “hàng hot” trên thị trường.

Nếu thường xuyên quan sát bảng xếp hạng top các tỷ phú giàu nhất thế giới, bạn sẽ thấy phần lớn trong số đó là những người giàu lên từ công nghệ. Đáng chú ý khi xu hướng này đang ngày một gia tăng trong những năm gần đây.  

Theo bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới của Forbes, 7 trong số 10 người giàu nhất hành tinh là người sáng lập của các tập đoàn công nghệ. Xét trong số 50 người giàu nhất thế giới, các tỷ phú công nghệ cũng chiếm tới 32%, bỏ xa các lĩnh vực khác như tài chính, thực phẩm hay truyền thông. 

Tại Việt Nam, hơn 10 năm trước, Tiến Sỹ Trần Du Lịch, lúc đó là đại biểu Quốc hội thuộc đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh khi góp ý về xây dựng Luật Đất đai đã buồn rầu nói rằng, hầu hết các tỷ phú ở Việt Nam đều đi lên từ bất động sản, có nghĩa là họ sử dụng tài nguyên quốc gia để làm giàu. 

Thế nhưng, sau hơn 10 năm, danh sách những cá nhân và doanh nghiệp giàu nhất Việt Nam đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ như Vingroup của tỷ Phú Phạm Nhật Vượng, FPT của tỷ phú Trương Gia Bình, Thế Giới Di Động của tỷ phú Nguyễn Đức Tài… 

Đầu tư vào cổ phiếu công ty công nghệ Việt-1

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản trị giá 8,5 tỷ USD đang hướng sự chú ý của mình vào lĩnh vực công nghệ. 

Thực tế cho thấy, Việt Nam cũng đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ khi nhiều tỷ phú trong các lĩnh vực khác bắt đầu lấn sang lĩnh vực công nghệ. Có thể kể tới tập đoàn FLC của tỷ Phú Trịnh Văn Quyết hay mới đây nhất là VICOSTONE của tỷ phú Hồ Xuân Năng từ công ty vật liệu xây dựng tuyến bố nhảy vào lĩnh vực xe thông minh. 

Sự giàu lên nhanh chóng của các tỷ phú công nghệ đã phản ánh một xu hướng không thể chối bỏ, đó là sức hút của các cổ phiếu công nghệ trên thị trường.

Cổ phiếu ngành công nghệ hấp dẫn

Sự bùng nổ của CNTT và kỷ nguyên 4.0 đang tạo đà cho sự phát triển của các công ty công nghệ. Thực tế cho thấy, trong top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, nhóm cổ phiếu công nghệ chiếm tới 6 vị trí dẫn đầu. 

Các cổ phiếu công nghệ nổi nhất hiện nay gồm AAPL (Apple), MSFT (Microsoft), AMZN (Amazon), FB (Facebook), GOOGL (Alphabet) và BABA (Alibaba). Đó là những cổ phiếu mà chỉ cần nghe tên, nhiều người trong chúng ta cũng sẽ có ngay cảm giác quen thuộc. 

Đầu tư vào cổ phiếu công ty công nghệ Việt-2

Cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn như Facebook, Microsoft, Alphabet luôn là món hàng được nhiều người săn đón. 

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 lại càng khiến các công ty công nghệ cho thấy sức hút của mình. Kể từ đầu năm 2020 tới nay, nhóm cổ phiếu công nghệ là ngôi sao sáng trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Trong khi các lĩnh vực khác phải cố gắng vật lộn để sinh tồn, các công ty thuộc nhóm ngành công nghệ lại công bố những con số tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong bối cảnh nền kinh tế xuống dốc vì Covid-19.

Trong số các cổ phiếu công nghệ thuộc top đầu, giá cổ phiếu của Apple đã tăng trưởng 2.2 lần chỉ trong 1 năm qua. Các thông số tích cực cũng được ghi nhận với cổ phiếu của Microsoft (tăng 1.8 lần), Facebook (tăng 2.1 lần) hay Google (tăng 2.1 lần).

Sự tăng trưởng ổn định này khiến các nhà đầu tư toàn cầu ngày càng có tâm lý tin tưởng hơn vào cổ phiếu của các công ty công nghệ. Điều này diễn ra trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ từ các mối đe dọa phi truyền thống.

Cổ phiếu công nghệ Việt trong mắt giới đầu tư

Tại Việt Nam, chắc chắn nhiều người còn chưa quên giai đoạn 2006 - 2007, thời kỳ hoàng kim của cổ phiếu FPT. Ở thời điểm đó, những nhà sáng lập của tập đoàn này cũng chính là những người giàu nhất trên sàn chứng khoán. 

Tuy vậy, có một điều khá đáng tiếc là các công ty công nghệ Việt Nam hiện không tạo ra được sức ảnh hưởng lớn như những tập đoàn công nghệ tầm cỡ trên toàn cầu. 

Ghi nhận trên các sàn chứng khoán trong nước cho thấy, dù được kỳ vọng nhiều, số lượng các cổ phiếu thuộc nhóm ngành công nghệ mới chỉ chiếm ở mức thiểu số.

Đầu tư vào cổ phiếu công ty công nghệ Việt-3

FPT là công ty công nghệ Việt Nam thành công nhất trên sàn chứng khoán với giá cổ phiếu luôn ở mức cao. 

Trong số các cổ phiếu công nghệ được niêm yết, chỉ có một vài cái tên thực sự đáng chú ý như FPT (CTCP FPT), CMG (CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC), ABC (CTCP Truyền thông VMG), YEG (CTCP Tập đoàn Yeah1), ADG (CTCP Clever Group), ICT (CTCP Viễn thông - Tin học Bưu điện, CTIN), MFS (CTCP Dịch vụ kỹ thuật MobiFone).

Trên thị trường chứng khoán hiện nay, ngoại trừ FPT có mức thanh khoản lên đến hàng triệu đơn vị mỗi phiên, những cổ phiếu công nghệ còn lại đều có mức thanh khoản trung bình (khoảng vài trăm nghìn đơn vị). 

Nguyên nhân của tình trạng này là bởi đa số cổ phiếu của các công ty công nghệ đều được giao dịch trên sàn UPCOM. Tính minh bạch của UPCOM thấp hơn so với HOSE và HNX, trong khi đó, biên độ dao động lại lớn hơn nhiều (± 15% của sàn UPCOM so với ± 7% của sàn HOSE và ± 10% của sàn HNX). 

Trong mắt nhà đầu tư, các công ty Việt Nam chưa hẳn đã được nhìn nhận như một doanh nghiệp công nghệ bởi số lượng các tài sản công nghệ (những bằng sáng chế) chưa nhiều. 

Ngoài ra, hiệu quả kinh doanh, nội lực và sự nhạy bén với thời cuộc của các doanh nghiệp công nghệ trong nước chưa được đánh giá cao. Thực tế này đã khiến không ít nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi bỏ vốn vào cổ phiếu của nhóm ngành công nghệ. 

Chuyển đổi số và hướng đi riêng của Việt Nam

Công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số, kỷ nguyên số sẽ là xu thế toàn cầu và là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, thế giới đang ở điểm gẫy của quá trình chuyển đổi số. 

Theo nhận định của IDC, đầu tư vào chuyển đổi số trực tiếp vẫn đang không ngừng tăng trong giai đoạn 2020 - 2023, dự kiến đạt 6.800 tỷ USD khi nhiều công ty đang tận dụng công nghệ để trở thành doanh nghiệp số tương lai. IDC dự báo, tới năm 2022, 65% GDP toàn cầu sẽ đến từ số hóa.

Đầu tư vào cổ phiếu công ty công nghệ Việt-4

Xu hướng chuyển đổi số là thời cơ để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhận về mình sứ mệnh lớn và đi ra toàn cầu. 

Cuối năm 2022, 70% các tổ chức và doanh nghiệp sẽ tăng tốc chuyển đổi số, nhằm chuyển đổi quy trình hoạt động hiện tại để tăng cường tương tác với khách hàng, cải thiện năng suất lao động và nâng cao năng lực phục hồi của doanh nghiệp.

Đây chính là cơ hội để Việt Nam thực hiện hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, đặc biệt là khi Việt Nam sở hữu lợi thế do có nhiều doanh nghiệp Viễn thông, CNTT mạnh.

Cách nhanh nhất để đẩy nhanh nền kinh tế số là sử dụng công nghệ số để thay đổi cách chúng ta đang sản xuất, đang làm việc. Đơn cử như việc dùng camera để giảm người bảo vệ, tự động tưới cây khi đất khô hay dùng văn bản điện tử thay thế giấy tờ. Đây là những đề bài chỉ có các doanh nghiệp công nghệ mới có thể giải quyết. 

Từ trước đến nay, lợi nhuận vốn là thước đo về độ hiệu quả của một doanh nghiệp. Nhưng điều có ý nghĩa hơn cả lợi nhuận chính là sứ mệnh trong thời đại mới của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Đó là dùng công nghệ số để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam để đi ra toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 đã góp phần làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng đối các sản phẩm công nghệ và dịch vụ trực tuyến của các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, cổ phiếu của các công ty công nghệ Việt đang ngày càng có thêm sức hấp dẫn. 

Đầu tư vào cổ phiếu công ty công nghệ Việt-5

Thực tế cho thấy, chỉ trong 1 năm qua, giá cổ phiếu FPT (tập đoàn FPT) đã tăng 2.1 lần, lên thành 79.600 đồng từ mức giá 37.400 ở thời điểm giữa tháng 3/2020. Với một cổ phiếu khá mạnh khác là CMG của tập đoàn công nghệ CMC, giá cổ phiếu này đã tăng 1,58 lần, từ 23.000 lên thành 36.400 đồng/cổ phiếu. 

So với các cổ phiếu khá mạnh khác như VJC của CTCP Hàng không Vietjet (tăng 1,37%) và VNM của CTCP Sữa Việt Nam (tăng 1,33 lần), cổ phiếu của nhóm ngành công nghệ trong 1 năm qua có tốc độ tăng trưởng cao hơn. 

Điều này cho thấy, tốc độ hồi phục của các cổ phiếu công nghệ tại Việt Nam cao hơn so với mặt bằng chung khi đặt trong bối cảnh từng bị suy giảm mạnh do tác động của đại dịch. 

Với sức ép từ Đề án chuyển đổi số quốc gia và nhu cầu tự thân của chính người dân, doanh nghiệp, việc phát triển các gói giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số được nhận định sẽ trở thành động lực dẫn dắt sự tăng trưởng của các công ty công nghệ nhiều năm tới. 

Trong bối cảnh đó, cổ phiếu của nhóm ngành công nghệ, đặc biệt là các công ty công nghệ lớn tại Việt Nam sẽ trở nên ngày một hấp dẫn trong mắt giới đầu tư. 

Tuy vậy, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chỉ có thể trở thành những công ty đại chúng đủ mạnh khi dám gánh trên vai mình sứ mệnh quốc gia, dùng công nghệ giải bài toán Việt Nam để từ đó tiến ra toàn cầu. 

Trọng Đạt

Theo premium.vietnamnet.vn

No comments:

Post a Comment