Giao dịch không tiếp xúc của Visa tại Việt Nam tăng trưởng đến 500% do người Việt tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt.
Visa cho biết giao dịch không tiếp xúc của công ty này tại Việt Nam tăng hơn 500% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ. Tổng giá trị giao dịch tăng 600% so với năm trước.
|
Thanh toán điện tử được chấp nhận tại nhiều địa điểm bán lẻ. Ảnh: Hải Đăng |
Thanh toán không tiếp xúc là các giao dịch thực hiện bằng cách chạm thẻ hoặc điện thoại lên máy POS, thay vì phải đưa thẻ cho nhân viên quét qua máy đọc. Phương thức này giảm nguy cơ rò rỉ thông tin thẻ, và được khuyên dùng trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát do giúp hạn chế khả năng phát tán virus qua tiếp xúc.
Cuối tháng 6 năm 2020, số lượng thẻ Visa ghi nhận có ít nhất một giao dịch không tiếp xúc trong vòng ba tháng vừa qua tăng gần 300% so với thời điểm cuối tháng 6 năm 2019.
Số liệu từ Khảo sát thái độ thanh toán người tiêu dùng Việt Nam gần đây cho thấy hiện tại có 37% người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc. Đối với nhóm sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc, có 85% người cho rằng họ thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán này, với tần suất ít nhất một lần một tuần.
Về mặt công nghệ, thẻ không tiếp xúc có một đầu ăng-ten nhỏ để giao tiếp với máy POS trong khoảng cách 4cm. Về lý thuyết khách có thể chỉ cần quét qua mà không cần chạm vào máy đọc. Khách hàng cũng có thể sử dụng điện thoại di động, nhập mã PIN, mật khẩu hoặc sinh trắc học để tăng cường bảo mật.
Thanh toán không tiếp xúc đã được triển khai tại các đơn vị bán lẻ và chuỗi nhà hàng lớn, bao gồm hệ thống siêu thị Lotte Mart, chuỗi The Pizza Company, chuỗi Starbucks và rạp chiếu phim BHD.
Một báo cáo khác của Visa hồi đầu tháng 6 cũng cho thấy thanh toán không tiếp xúc được thực hiện trên mọi phương thức và lĩnh vực. Lượt thanh toán không tiếp xúc trên điện thoại di động, mã QR, và thương mại điện tử đều tăng so với năm 2018. Trong đó, 82% người dùng sử dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động ít nhất một lần một tuần.
Thống kê của Moca, ví điện tử đang liên kết với Grab, cho thấy số người dùng Việt Nam lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab vào tháng 3/2020 đã tăng đến 22,5% so với tháng trước đó.
Cũng theo Moca, nhìn trên tổng thể hệ sinh thái Grab, trong giai đoạn Covid-19, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43%. Đặc biệt, riêng với dịch vụ GrabMart, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt chiếm đến 70%.
Thống kê của Shopee, trang thương mại dẫn đầu vể lượt truy cập hiện nay tại Việt Nam, cũng cho biết trong giai đoạn hạn chế ra đường do lo ngại dịch bệnh, số người dùng ví điện tử AirPay tăng lên so với thông thường.
Trong khi đó, nghiên cứu trong quý 4 năm ngoái của Cimigo chỉ ra tần suất sử dụng và giá trị chi tiêu trung bình hàng ngày của người dùng vào các ví điện tử phổ biến trên thị trường đều đang ở mức cao.
Hải Đăng
No comments:
Post a Comment