Sunday, August 23, 2020

Định danh điện tử hàng triệu người nhờ giải pháp Make in VietNam

Phân biệt thật giả, nhận dạng thông tin tự động qua CMTND, không cần phải nhập liệu khi đăng ký dịch vụ, đó là những tiện ích của phần mềm định danh khách hàng điện tử (eKYC) do một doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

KYC (Know Your Customer) là một thuật ngữ đã phổ biến từ lâu nhằm chỉ việc xác minh danh tính khách hàng. Đây là điều bắt buộc phải làm đối với các nhà cung cấp những dịch vụ nhạy cảm như ngân hàng, tài chính, viễn thông, Internet nhằm ngăn ngừa việc người dùng tự ý sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp vào các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền, gian lận,...

Do tính chất quan trọng và nhạy cảm, việc KYC hay xác minh khách hàng thường được thực hiện thông qua một quy trình kín kẽ nhằm đảm bảo người sử dụng dịch vụ là người thật với các thông tin thật. 

{keywords}
Với xác thực điện tử hay eKYC, việc đăng ký, xác thực tài khoản đều được nhận diện tự động thông qua ảnh chụp chứng minh thư và nhận diện khuôn mặt.

Tuy vậy, quá trình này thường mất rất nhiều thời gian do liên quan tới nhiều loại thủ tục, giấy tờ. Đó cũng là lý do mà các dịch vụ xác thực điện tử hay eKYC ra đời. Hiểu nôm na, eKYC sẽ sử dụng các công nghệ mới như nhận diện khuôn mặt, chữ viết, kết hợp cùng dữ liệu lớn, AI để tự động hóa quá trình xác thực. 

Đây là xu hướng đang được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng nhằm đơn giản hóa quy trình và tạo sự thuận lợi, thoải mái cho người dùng. Trong khoảng vài năm trở lại đây, xu hướng này cũng đang lan tỏa tới Việt Nam với sự ra đời của các các sản phẩm định danh điện tử do chính người Việt tự phát triển. 

Số hóa giấy tờ tự động bằng giải pháp Việt Nam 

Trong số các sản phẩm hiện có trên thị trường, giải pháp số hóa giấy tờ tự động với BeeOCR của VVN AI hiện tối ưu nhất với hàng triệu người sử dụng. Giải pháp này đã về nhì trong cuộc thi VietChallenge tại Mỹ sau khi chiến thắng tại Viettel Advanced Solutions Track 2019. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng - TGĐ VVN AI, khi làm tư vấn cho một doanh nghiệp Đức, ông đã nhìn thấy cơ hội từ eKYC cho thị trường Việt Nam. Chính bởi vậy, ông Tùng và các cộng sự đã đào sâu nghiên cứu về AI để cho ra đời một giải pháp xác thực điện tử có thể dẫn đầu thị trường và cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ ngoại. 

{keywords}
Giải pháp eKYC của VVN AI đã được chứng minh bằng thực tế khi giúp định danh điện tử cho hàng triệu người dùng.

Thời điểm xây dựng ứng dụng, nhóm kỹ sư của VVN AI đặt mục tiêu hệ thống có thể hỗ trợ được hầu hết các lĩnh vực trong đời sống, từ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đến hành chính công. Hỗ trợ cho hệ thống hành chính công là mục tiêu cao nhất được VVN AI hướng đến, ông Tùng cho biết. 

Do đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và tối ưu thuật toán, việc xây dựng giải pháp và thuật toán cho eKYC được VVN AI thực hiện không quá khó khăn. Tuy nhiên thách thức lớn nhất đến từ việc Việt Nam chưa có một hệ thống dữ liệu gốc tốt. 

Ví dụ như với việc định danh trên chứng minh thư, ông Tùng cho biết, phông chữ trên mỗi tấm thẻ rất lộn xộn. “Tôi đếm được khoảng 3 – 4 phông chữ khác nhau, chứng minh thư của ta cũng rất dễ bị làm giả”, ông nói. Trong khi đó, tại Đức, mỗi tấm thẻ ID có hơn 30 lớp vân bảo mật, khiến cho việc xây dựng hệ thống eKYC thuận tiện hơn. 

Chướng ngại vật tiếp theo là sự tin tưởng của thị trường. Là công ty non trẻ, giải pháp còn khá lạ ở Việt Nam, lúc ban đầu VVN AI không nhận được nhiều sự tin tưởng khi đi chào mời đối tác. “Có thời điểm chúng tôi phải bán sản phẩm qua một công ty khác rồi nhờ họ ký hợp đồng”, ông Tùng kể. Tuy vậy, những khó khăn kể trên đã không thể cản bước tiến của doanh nghiệp Việt Nam này. 

Hành trình trở thành giải pháp chuyển đổi số quốc gia

Thực tế cho thấy, việc xác thực điện tử tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do CMTND dễ bị hư hại theo thời gian. Tuy nhiên, giải pháp eKYC của VVN AI đã xử lý tương đối tốt đối với tình huống đó. 

Thành công này có được là nhờ những trải nghiệm sau khi tham gia cuộc thi Viettel Solution (tiền thân của Việt Solution 2020) do Viettel tổ chức. Năm nay, cuộc thi Viet Solution 2020 được chủ trì bởi chính Bộ Thông tin & Truyền thông với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp nhằm giúp Việt Nam chuyển đổi số.

{keywords}
Do có tập dữ liệu người dùng lớn của Viettel, giải pháp BeeOCR của VVN AI có thể xử lý tốt các trường hợp chứng minh thư bị mất góc, cũ, mờ, ảnh bị ngược, méo hình,...

Theo ông Cao Anh Sơn - TGĐ Viettel Telecom, khi VNN AI mới hợp tác với Viettel hồi năm 2019, độ chính xác của sản phẩm mới chỉ dừng ở mức 65-70%. 

Mỗi tháng, trung bình tập đoàn này phải quét khoảng 3,3 triệu hồ sơ, tương ứng 10 triệu lần quét. Do vậy, Viettel đòi hỏi rất cao về tốc độ xử lý cũng như tính chính xác. “Mỗi phần trăm chính xác giảm, thiệt hại cho doanh nghiệp không nhỏ”, ông Tùng nhìn nhận.

Tuy vậy, nhà mạng này đã chấp nhận sử dụng giải pháp dù chưa thực sự hoàn thiện của VNN AI. Viettel cũng đã đưa CSDL của mình để làm giàu thêm cho CSDL của VNN AI. Nhờ vậy, độ chính xác của giải pháp eKYC do VNN AI phát triển hiện đã đạt từ 95 - 97%. 

Hiện công cụ xác thực của VVN AI có tốc độ xử lý khoảng 1,2s/lần quét, nhanh hơn từ 16-25 lần tốc độ quét của các đơn vị từng cung cấp giải pháp cho Viettel. Nhờ vậy, giải pháp của VVN AI đã được lựa chọn sử dụng trong quá trình xác thực điện tử cho các thuê bao di động. 

Với mỗi tấm chứng minh thư nhập liệu thủ công, Viettel phải mất 2.000 đồng. Sau khi áp dụng giải pháp của VVN AI, chi phí cho việc xác thực giảm xuống chỉ còn 400 – 500 đồng. Bên cạnh việc tiết kiệm được số tiền 40 tỷ/năm nhằm eKYC, giải pháp xác thực điện tử còn loại bỏ các sai sót do con người trong quá trình nhập liệu. 

Video demo giải pháp eKYC do VVN AI phát triển. 

Tính đến thời điểm hiện tại, VVN AI đã đạt được bước tiến quan trọng với việc ký hợp đồng với hàng loạt công ty lớn như Viettel, MobiFone, Vietnam Post, VPBank, Liên Việt, Bảo hiểm Bưu điện (PTI). 

Thành công của VVN AI là minh chứng sinh động nhất cho câu nói: "Vấn đề thì lúc nào cũng tồn tại và ở khắp nơi. Dùng công nghệ để giải quyết những vấn đề đó chính là không gian cho sáng tạo. Vấn đề càng lớn thì sáng tạo càng lớn.".

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ cần nhiều những doanh nghiệp như VVN AI để có thể dùng công nghệ giải quyết các bài toán Việt Nam, từ đó đưa đất nước vươn lên bằng chuyển đổi số. 

Trọng Đạt

No comments:

Post a Comment