Tuesday, May 19, 2020

Huawei: Khi “tồn tại” trở thành từ khóa

Lãnh đạo Huawei thừa nhận quy định hạn chế xuất khẩu chip mà Mỹ vừa đưa ra “chắc chắn khiến công ty bị ảnh hưởng".

Ảnh minh họa: MobyGeek

Quy định mới nhất của Mỹ yêu cầu các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip có nguồn gốc từ Mỹ phải xin cấp phép trước khi bán hàng cho Huawei. Chuyên gia nhận định điều này thực sự giáng một đòn nặng nề lên gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vì sẽ tác động tới nhà sản xuất chip Đài Loan TSCM, nguồn cung chip chủ yếu trên smartphone và thiết bị mạng. Ngoài ra, Huawei cũng gặp thách thức khi phải tìm kiếm đối tác thay thế cho TSMC, dẫn tới rủi ro trị giá hàng tỷ USD.

Ông Guo Ping, Chủ tịch luân phiên Huawei, cho rằng việc kinh doanh của hãng “chắc chắn bị ảnh hưởng”. Dù vậy, ông nói những thử thách trong quá khứ đã giúp họ phát triển lớp da “dầy hơn” và tự tin sẽ sớm tìm ra giải pháp. Đây là bình luận đầu tiên từ Huawei sau khi quy định được Mỹ công bố hôm 15/5.

Ông Guo từ chối đưa ra bất kỳ dự đoán nào liên quan tới tài chính và nói vẫn chưa xác định được giải pháp tiềm năng trước quy định xuất khẩu chip của Mỹ. “Ngay lúc này, tồn tại là từ khóa đối với chúng tôi”, ông nói.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 18/5, Huawei tố cáo Mỹ lợi dụng sức mạnh công nghệ riêng để phá hoại các doanh nghiệp ngoài biên giới đất nước. Tuyên bố khẳng định điều đó chỉ làm xói món lòng tin mà công ty nước ngoài đặt niềm tin vào chuỗi cung ứng và công nghệ Mỹ và cuối cùng làm tổn hại lợi ích của Mỹ.

Theo ông Guo, Huawei đã chi 18,7 tỷ USD mua hàng hóa từ nhà cung ứng Mỹ năm 2019. Họ vẫn tiếp tục mua hàng nếu Washington cho phép.

Quy định mới ảnh hưởng tới Huawei ra sao?

Quy định mới của Washington cho họ quyền quyết định Huawei được mua loại bán dẫn nào. Đây thực sự là vấn đề lớn vì chip đóng vai trò quan trọng trong hàng loạt sản phẩm, từ trạm gốc 5G tới smartphone. Huawei thiết kế bán dẫn trong sản phẩm thông qua chi nhánh HiSilicon. Tuy nhiên, việc sản xuất lại do TSMC đảm nhận. TSMC lại sử dụng trang bị thiết bị sản xuất tại Mỹ để làm ra các con chip kể trên.

Huawei trang bị chip Kirin cho hầu hết điện thoại. Vấn đề nằm ở chỗ Huawei phụ thuộc nặng nề vào TSMC khi hơn 98% chip liên quan tới smartphone đều do TSMC sản xuất, theo ước tính của hãng nghiên cứu Counterpoint Research.

Bộ phận tiêu dùng của Huawei đóng góp hơn 50% tổng doanh thu năm 2019 và mang về 467,3 tỷ NDT (66,93 tỷ USD) doanh số. Nếu bộ phận bị ảnh hưởng, doanh thu cũng vậy.

Điều đầu tiên Huawei cần làm là đa dạng hóa nguồn cung nhưng đây là một nhiệm vụ khó khăn nếu xét tới tác động toàn diện của quy định mới từ Mỹ.

Huawei đang cố gắng vượt qua mọi rào cản của Mỹ. Hồi tháng 3, Tim Danks – môt quan chức Huawei tại Mỹ - cho biết công ty đã bán 50.000 trạm gốc 5G không chứa công nghệ Mỹ. Thời điểm đó, nó chỉ chiếm 8% tổng số trạm gốc 5G mà Huawei bán ra trên toàn cầu. Trạm gốc là linh kiện thiết yếu của mạng di động.

Công ty cũng tìm đối tác nội để sản xuất chip Kirin trên smartphone. SMIC, nhà thầu chip lớn nhất tại Trung Quốc, là ứng cử viên đầu bảng. Theo Thời báo Hoàn cầu, SMIC đã bắt đầu sản xuất số lượng lớn chip Kirin 710A dùng trong điện thoại Honor. Tuy nhiên, nó không thể giải quyết vấn đề của Huawei trên toàn danh mục sản phẩm. Chưa kể, theo Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research, TSMC đi trước SMIC hàng dặm nếu xét tới năng lực công nghệ mới, năng suất và quy mô. Ông nhận xét quy định của Mỹ có thể là “tai họa” đối với Huawei.

Chip hàng đầu của Huawei, Kirin 990, dựa trên công nghệ 7nm, nhỏ hơn và nhanh hơn các đời trước. TMSC đã sản xuất chúng khoảng 2 năm. Không rõ SMIC có thể giới thiệu quy trình sản xuất 7nm quy mô lớn hay không. Ngay cả khi Huawei muốn chuyển sang SMIC, SMIC có khả năng không thể đáp ứng.

Nikkei đưa tin TSMC đã dừng nhận đơn hàng chip mới từ Huawei. TSMC từ chối bình luận về thông tin này.

Một phương án khác là nhờ tới Samsung. Dù vậy, Samsung lại là đối thủ lớn nhất của Huawei trên thị trường smartphone. Do đó, ông Shah cho rằng Huawei sẽ ưu tiên đối tác trong nước hơn là công ty đối thủ đến từ Hàn Quốc và về mặt kỹ thuật là đồng minh của Mỹ.

Dù thế nào, Huawei cũng bị đặt vào tình thế nguy hiểm. Rất khó để nhanh chóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong ngắn và trung hạn. Hầu hết các công ty cung ứng linh kiện hiện đại đều gián tiếp sử dụng một số thiết bị, công nghệ Mỹ và vì thế là đối tượng điều chỉnh của quy định hạn chế xuất khẩu của Mỹ.

Du Lam (Theo CNBC)

Hãng sản xuất chip khổng lồ TSMC ngừng thực hiện các đơn hàng mới của Huawei

Hãng sản xuất chip khổng lồ TSMC ngừng thực hiện các đơn hàng mới của Huawei

Công ty sản xuất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) đã ngừng các đơn hàng mới của Huawei Technologies (Trung Quốc) sau khi Mỹ ban hành các hạn chế mới đối với hoạt động cung cấp chip cho Huawei.

No comments:

Post a Comment