Thái Nguyên vừa lên kế hoạch để nâng cấp 443 dịch vụ công trực trực tuyến lên mức 4, mức cao nhất được cung cấp hoàn toàn qua mạng. Dự kiến, đến cuối tháng 8/2020 tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 của tỉnh này đạt 30%.
|
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tháng 8/2020, Thái Nguyên sẽ nâng cấp 443 dịch vụ công lên mức 4 (Ảnh minh họa: baothainguyen.vn) |
Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên cho biết, địa phương này vừa lên kế hoạch nâng cấp dịch vụ công trực tuyến.
Kế hoạch nhằm rà soát thủ tục, bổ sung nâng cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 trên hệ thống của các đơn vị theo Danh mục đã được UBND tỉnh công bố; từng bước hiện đại hóa nền hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính.
Kế hoạch nâng cấp dịch vụ công trực tuyến của Thái Nguyên sẽ được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công của tỉnh, đồng bộ với hệ thống một cửa điện tử của các đơn vị, địa phương.
Trong đó, đối với Cổng dịch vụ công, các cơ quan, đơn vị tại Thái Nguyên sẽ thực hiện rà soát thủ tục, thêm dịch vụ công, thành phần hồ sơ, số ngày xử lý. Đồng thời, triển khai cấu hình mức độ dịch vụ công cũng như cấu hình thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ công mức 4.
Với hệ thống một cửa điện tử, các cơ quan, đơn vị sẽ tiến hành đồng bộ danh mục dịch vụ công đã rà soát về hệ thống một cửa.
Cùng với đó, các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện xã của Thái Nguyên cũng cần kiểm tra việc nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công đối với các thủ tục đã được thiết lập; kiểm tra tiếp nhận xử lý hồ sơ trực tuyến tại phần mềm một cửa của đơn vị mình.
Cũng trong kế hoạch mới của Sở TT&TT Thái Nguyên, đơn vị này còn thông báo các dịch vụ công trực tuyến cần nâng cấp của các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã với thời gian thực hiện cụ thể.
Đơn cử như, tại Sở KH&CN Thái Nguyên, tổng số dịch vụ công cần nâng cấp của cơ quan này là 30 dịch vụ, với thời gian thực hiện kéo dài từ ngày 1/6/2020 đến ngày 5/6/2020. Số dịch vụ công trực tuyến cần nâng cấp của UBND cấp huyện là 158 dịch vụ và thời gian thực hiện từ ngày 24/8/2020 đến ngày 28/8/2020.
Sở TT&TT Thái Nguyên là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị, nhà thầu rà soát thủ tục, thêm dịch vụ công, thành phần hồ sơ; cấu hình nâng mức độ dịch vụ công trực tuyến của các đơn vị; và kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện.
Theo thống kê của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, tính đến cuối năm ngoái, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức 4 của Thái Nguyên là 127 dịch vụ, chiếm tỷ lệ 6,7% tổng số thủ tục hành chính.
Với kế hoạch nâng cấp dịch vụ công kể trên, dự kiến đến cuối tháng 8/2020, số dịch vụ công được nâng cấp lên mức 4 của Thái Nguyên là 443 dịch vụ, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến của địa phương này lên 570 dịch vụ, đạt tỷ lệ 30% theo đúng chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu với các bộ, ngành, địa phương trong năm nay.
Đại diện Cục Tin học hóa cũng cho biết, trong hơn 2 năm gần đây, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 mà các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp đã liên tục tăng, từ mức 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019 và đạt 13,3% vào cuối tháng 4/2020.
Đến nay, đã có 12 bộ, ngành, địa phương hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4, bao gồm 5 bộ, ngành: KH&ĐT, Nội vụ, Tài chính, TT&TT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 7 tỉnh, thành phố: An Giang, Đà Nẵng, Lào Cai, Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Nam Định và Tiền Giang.
Thực hiện vai trò điều phối phát triển Chính phủ điện tử nói chung và thúc đẩy phát triển dịch vụ công trực tuyến nói riêng, ngày 19/3/2020, Bộ TT&TT đã có công văn 929 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4.
Tiếp đó, giữa tháng 5/2020, Bộ TT&TT đã tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, trong đó có việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4.
Cụ thể, trong văn bản đôn đốc mới nhất gửi các bộ, ngành, địa phương, Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan, đơn vị tận dụng ngay các hệ thống thông tin sẵn có, chủ động bố trí, huy động nguồn lực tại chỗ để bảo đảm khả năng sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức 3,4 của tất cả các thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, từng bước có lộ trình nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin để xử lý hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đã một lần nữa đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.
Vân Anh
Lâm Đồng đặt mục tiêu 50% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 có phát sinh hồ sơ
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa công bố danh mục 467 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3, 4 của tỉnh năm 2020. Cơ quan này yêu cầu các đơn vị bảo đảm 50% số thủ tục hành chính trực tuyến mức 3, 4 có phát sinh hồ sơ.
No comments:
Post a Comment