Sunday, May 24, 2020

Chính phủ ra Nghị quyết về Trung tâm liên kết CMCN 4.0 Việt Nam

Ngày 22/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết 78 về việc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký bản ghi nhớ với Diễn đàn Kinh tế thế giới về Trung tâm liên kết Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) Việt Nam.

Chính phủ giao Bộ TT&TT, trên cơ sở các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẩn trương đàm phán, ký kết Thỏa thuận liên kết với Diễn đàn Kinh tế thế giới về Trung tâm liên kết CMCN 4.0 Việt Nam (Ảnh minh họa: europeanbusinessreview.com)

Tại Nghị quyết mới ban hành, Chính phủ đồng ý nội dung bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Diễn đàn Kinh tế thế giới về Trung tâm liên kết CMCN 4.0 Việt Nam.

Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ TT&TT ký bản ghi nhớ nêu trên với Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Nghị quyết 78 cũng nêu rõ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chủ động xây dựng, đề xuất các dự án nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích công nghệ mới trong lĩnh vực quản lý, theo mô hình đối tác công – tư (PPP), phù hợp với phạm vi nghiên cứu của Trung tâm liên kết CMCN 4.0 Việt Nam.

Các dự án mà các bộ, ngành, địa phương đề xuất cần gửi về Bộ TT&TT trong vòng 3 tháng kể từ thời điểm ký bản ghi nhớ để tổng hợp, xây dựng Danh mục các dự án nghiên cứu cơ chế, chính sách CMCN 4.0 hợp tác với Diễn đàn Kinh tế thế giới, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi ký Thỏa thuận liên kết với Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Chính phủ giao Bộ TT&TT, trên cơ sở các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẩn trương đàm phán, ký kết Thỏa thuận liên kết với Diễn đàn Kinh tế thế giới về Trung tâm liên kết CMCN 4.0 Việt Nam.

Cùng với đó, thành lập Trung tâm liên kết CMCN 4.0 Việt Nam để triển khai hợp tác với Diễn đàn Kinh tế thế giới trên nguyên tắc trước mắt trong 3 năm đầu không phát sinh thêm tổ chức mới, không tăng biên chế.

Bộ TT&TT cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng phương án vận động các nguồn tài trợ hợp pháp đóng góp tài chính cho Diễn đàn kinh tế thế giới cho năm thứ hai và năm thứ ba như Thỏa thuận nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất 3 tháng trước ngày kết thúc thời hạn 1 năm đầu hợp tác với Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Bộ Tài chính được giao trách nhiệm hướng dẫn, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho Bộ TT&TT để đóng góp cho Diễn đàn Kinh tế thế giới khoản phí thường niên của năm đầu tiên, thanh toán trong thời gian 6 tháng kể từ khi công bố Thỏa thuận liên kết và thời điểm khai trương Trung tâm liên kết CMCN 4.0 Việt Nam.

Chính phủ giao Bộ Ngoại giao làm các thủ tục ủy quyền theo quy định và hướng dẫn, phối hợp thực hiện các thủ tục đối ngoại cần thiết.

Trước đó, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”. Các mục tiêu hướng tới của Nghị quyết này là tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước.

Đồng thời, phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tại Nghị quyết 52, Bộ Chính trị đã xác định chính sách hội nhập quốc tế là một trong tám chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Theo đó, sẽ mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học, công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc CMCN 4.0; chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu; đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ....

Theo ictnews.vietnamnet.vn

No comments:

Post a Comment