Bộ TN&MT sẽ cung cấp ít nhất 50% thủ tục hành chính cấp Bộ trên môi trường điện tử, đáp ứng tiêu chí dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.
|
Theo thống kê của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, tính đến cuối năm ngoái, tổng số TTHC đã được Bộ TN&MT cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 34 dịch vụ, đạt tỷ lệ 28,33% (Ảnh minh họa: M.Quyết). |
Bộ TN&MT vừa lên kế hoạch thực hiện Nghị định 45 ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử.
Kế hoạch này nhằm bảo đảm triển khai kịp thời, thống nhất, khoa học và hiệu quả các nội dung đã được xác định trong Nghị định 45. Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử phải lấy tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện TTHC trên môi trường điện tử làm trung tâm; phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Việc tổ chức tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử phải được thực hiện hợp pháp, hợp lý, khoa học; bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, an toàn thông tin và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có thẩm quyền trong quá trình giải quyết TTHC.
Theo kế hoạch, các nội dung của Nghị định 45 về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử sẽ được Bộ TN&MT phổ biến tới tất cả các đơn vị, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ.
Cùng với đó, sẽ sẽ triển khai tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan về các TTHC trên môi trường điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và các lợi ích khi lựa chọn phương thức thực hiện này nhằm tiết kiệm thời gian, giảm chi phí tuân thủ thực hiện TTHC.
Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch mới được Bộ TN&MT ban hành là xây dựng và triển khai các giải pháp, điều kiện bảo đảm phương thức thực hiện TTHC trên môi trường điện tử thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.
Cụ thể, Bộ TN&MT sẽ rà soát, đánh giá mức độ sẵn sàng, lựa chọn và ban hành công khai danh mục các TTHC thuộc phạm vi giải quyết của Bộ ưu tiên thực hiện trên môi trường điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; xác định rõ lộ trình, các thức thực hiện, giải pháp vận hành, khai thác. Đồng thời rà soát, xây dựng lộ trình số hoá kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ; xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân lưu trữ hồ sơ TTHC của Bộ và cung cấp bản sao điện tử đảm bảo việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu…
Cũng trong năm nay, Bộ TN&MT cũng sẽ tập trung tổ chức cung cấp TTHC trên môi trường điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Theo đó, thực hiện tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử tập trung, thống nhất theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện cung cấp ít nhất 50% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ TN&MT trên môi trường điện tử, đáp ứng tiêu chí dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.
Đồng thời, nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ bảo đảm các tiêu chí, quy định về chức năng, tính năng kỹ thuật; yêu cầu kết nối, tích hợp, chia sẻ, lưu trữ dữ liệu; giải pháp xác thực, an toàn thông tin; phương thức thanh toán trực tuyến;
Xây dựng, nâng cấp bổ sung các ứng dụng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (TTHC ban hành mới; thay thế, sửa đổi hoặc bãi bỏ); Quản lý, bảo vệ, định kỳ kiểm tra, rà soát, khắc phục sự cố, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đối với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ khi thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2019, Bộ TN&MT đã là Bộ đầu tiên phê duyệt Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0. Kiến trúc này là tài liệu mô tả chi tiết các thành phần Chính phủ điện tử của Bộ TN&MT từ Trung ương đến địa phương, kết nối, liên thông với các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân, khu vực, quốc tế; thể hiện việc tham chiếu, kết nối các quy trình nghiệp vụ, ứng dụng, dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin và các thành phần khác tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 – mức cao nhất được thực hiện hoàn toàn qua mạng, theo thống kê của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, tính đến cuối năm ngoái, tổng số TTHC đã được Bộ TN&MT cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 34 dịch vụ, đạt tỷ lệ 28,33%.
Tại công văn 929 ngày 19/3/2020 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, Bộ TT&TT đã một lần nữa nêu rõ chỉ tiêu quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần đạt được trong năm 2020. Đó là, cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020; trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của các dịch vụ công trực tuyến đến hết năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2019.
Vân Anh
No comments:
Post a Comment