Việt Nam hiện có khoảng 350.000 thiết bị IoT, phần lớn là router và camera giám sát. Thế nhưng, khoảng 70% các thiết bị trong số đó có khả năng bị tấn công mạng, bao gồm cả việc đánh cắp thông tin cá nhân.
Mối nguy tiềm tàng từ camera giám sát
Mới đây, vụ việc một nữ nghệ sĩ bị lộ hình ảnh nhạy cảm ngay tại nhà riêng của mình đã thu hút sự quan tâm chú ý lớn từ phía dư luận. Nhiều người sử dụng các thiết bị camera giám sát cảm thấy lo lắng khi những hình ảnh đời tư của họ rất có thể một ngày nào đó sẽ bị tung lên mạng bởi các hacker.
Tại Việt Nam, thống kê mới nhất của Bộ TT&TT cho thấy, hiện có khoảng 350.000 thiết bị IoT công khai trên mạng Internet, hầu hết trong số này là các thiết bị camera giám sát, router.
Camera giám sát là loại thiết bị IoT được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. |
Với thời đại công nghệ ngày nay, sự xuất hiện của các thiết bị IoT đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh và thúc đẩy quá trình số hóa. Trong đó, hệ thống camera giám sát là một trong những thành tố quan trọng nhất nhằm cung cấp dữ liệu nền tảng cho thành phố thông minh hay trong chính những ngôi nhà thông minh của các hộ gia đình.
Thực tế cho thấy, các hệ thống camera giám sát đã phát huy tác dụng và mang tới hiệu quả rõ rệt trong việc tăng cường khả năng răn đe tội phạm, giám sát an ninh. Tuy vậy, nó cũng mang tới những nguy cơ tiềm ẩn khi các chuyên gia ước tính, có khoảng 70% các thiết bị IoT có khả năng bị tấn công mạng.
Phần lớn trong số các loại camera giám sát phổ biến tại Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thực tế cho thấy, các thiết bị camera giám sát Trung Quốc thường gặp phải nhiều nghi ngại về vấn đề an ninh. |
Tại Việt Nam, số liệu được Cục ATTT công bố cho thấy, tính đến hết năm 2017, có khoảng 147.000 thiết bị IoT tại Việt Nam có lỗ hổng hoặc có khả năng bị tấn công chiếm quyền điều khiển.
Từ một con số rất nhỏ, chỉ trong một thời gian ngắn, các loại mã độc hướng mục tiêu vào các thiết bị IoT như camera đã tăng tới hơn 7.000 loại. Thống kê của Cục ATTT cho thấy, khoảng 63% các dòng mã độc tấn công nhằm vào camera giám sát, 20% mã độc tấn công nhằm vào router, modem, còn lại là các thiết bị khác như máy in, thiết bị cá nhân, thiết bị gia dụng.
Theo dự báo của Gartner, đến năm 2020, hơn 25% các cuộc tấn công được phát hiện bởi các công ty có liên quan đến IoT. Đây là một nguy cơ rất lớn đối với toàn thế giới.
Có thể thấy, con người đang chuyển từ vị trí của người sử dụng công nghệ sang lệ thuộc vào công nghệ. Con người sẽ trở thành nô lệ của công nghệ, cod thể bị theo dõi và giam lỏng trong ngôi nhà trang bị hệ thống camera giám sát của chính chúng ta nếu không biết cách làm chủ công nghệ. Vấn đề đặt ra là cần phải trang bị các công nghệ số như thế nào để làm chủ, phát huy tác dụng và giảm thiểu tác hại từ chính các thiết bị trong ngôi nhà của chúng ta.
Cách làm chủ các hệ thống camera giám sát
Theo đại diện Công ty Cổ phẩn An ninh mạng Việt nam (VSEC), các hệ thống IoT hiện nay ngày càng một đa dạng và được sử dụng rộng rãi, tuy nhiên vấn đề an toàn bảo mật đối với các thiết bị này chưa được chú trọng.
Các thiết bị IoT nói chung và camera nói riêng thường sử dụng mật khẩu mặc định hoặc mật khẩu yếu, dễ đoán, dữ liệu trao đổi giữa các thiết bị không được mã hóa dẫn đến nguy cơ có thể bị tấn công nghe lén (MitM).
Bên cạnh đó, còn phải kể tới nguy cơ phần mềm trên thiết bị có lỗ hổng bảo mật. Đây là điểm yếu thường được lợi dụng bởi giới hacker. Đáng chú ý khi có những lỗ hổng chỉ cần kiến thức cơ bản cùng với việc tìm kiếm qua Google cũng có thể dễ dàng khai thác.
Yếu điểm lớn nhất của các hệ thống camera giám sát là chúng không tự động cập nhật phần mềm. Do vậy, người dùng nên chủ động cập nhật các bản vá để đề phòng nguy cơ về bảo mật. |
Điều nguy hiểm nhất là phần mềm trên các hệ thống IoT hay camera giám sát không có tính năng tự động cập nhật. Do đó, chúng dễ dàng trở thành nạn nhân của các vụ tấn công đánh cắp thông tin, ngay cả khi những lỗ hổng này đã được tìm ra và cảnh báo.
Để tự bảo vệ mình, người dùng cần có những kiến thức căn bản về công nghệ hoặc cần có người am hiểu về công nghệ tư vấn trong quá trình lắp đặt, sử dụng các hệ thống camera giám sát.
Người dùng chỉ nên lắp đặt camera ở cửa ra vào, hành lang, sân thượng, khu vực ngoài trời và những nơi mà kẻ xấu có khả năng đột nhập. Không nên lắp đặt camera ở những không gian riêng tư như phòng tắm, phòng ngủ. |
Vị chuyên gia của VSEC cho rằng, người dùng không nên quá lạm dụng việc lắp camera, chỉ nên lắp camera ở nơi thật sự cần thiết như cửa ra vào, sân thượng, nơi sinh hoạt chung hoặc những nơi có khả năng bị xâm nhập cao.
Người dùng nên thường xuyên cập nhật phần mềm, firmware, thay đổi mật khẩu mặc định, sử dụng mật khẩu mạnh để truy cập các thiết bị và hệ thống điều khiển các thiết bị. Người dùng cũng nên sử dụng mật khẩu WiFi mạnh bởi đây chính là con đường nối các hacker tới camera nhà bạn.
Trọng Đạt
No comments:
Post a Comment