Sunday, June 6, 2021

Sinh viên ảo đầu tiên nhập học vào Đại học Thanh Hoa

Sinh viên ảo đầu tiên của Trung Quốc, được Đại học Thanh Hoa phát triển bằng trí tuệ nhân tạo (AI), đã gặp gỡ người hâm mộ vào thứ Năm qua khi "cô" mở tài khoản trên nền tảng Sina Weibo.

Hoa Trí Băng thu hút gần 2.000 người theo dõi trên Weibo trong khoảng 9 giờ.

Trong bài đăng đầu tiên trên Weibo, nữ sinh viên ảo tên Hoa Trí Băng đã gửi lời chào đến cư dân mạng Trung Quốc và nói rằng cô ấy sẽ bắt đầu học trong phòng thí nghiệm máy tính ở Đại học Thanh Hoa.

Sinh viên ảo phát triển bằng trí tuệ nhân tạo nhập học vào ĐH Thanh Hoa - 1

Hoa Trí Băng, Hua Zhibing, nữ sinh ảo đầu tiên tại Trung Quốc, học tập tại Trường Đại Học Thanh Hoa (Ảnh: Weibo)

"Xin chào mọi người, tôi là Hoa Trí Băng. Tôi rất vui khi trở thành học trò của Giáo sư Đường. Tôi sẽ bắt đầu cuộc sống học tập và nghiên cứu của mình tại phòng thí nghiệm Khoa học máy tính của Đại học Thanh Hoa", sinh viên ảo chào người dùng Internet Trung Quốc trong bài đăng đầu tiên trên Weibo. Trong video, một cô gái trẻ đi lang thang trong khuôn viên trường, giới thiệu về bản thân bằng giọng nữ.

"Tôi đã đam mê văn học và nghệ thuật từ khi mới sinh ra. Các nhà khoa học không chỉ cho tôi ngoại hình, giọng hát mà còn dạy tôi sáng tác", Hoa Trí Bình chia sẻ, trí tuệ AI cũng cho biết nhạc nền của video giới thiệu là do mình sáng tác.

Đường Kiệt, giáo sư tại Khoa Khoa học Máy tính của Đại học Thanh Hoa, một trong những "cha đẻ" của Hoa Trí Băng, chia sẻ qua diễn đàn tại Bắc Kinh, rằng cô gái trong video được "xây dựng" theo khuôn mẫu người thật nhưng khuôn mặt và giọng nói là nhân tạo.

Hoa Trí Bình đã chính thức đăng ký và trở thành sinh viên của Đại học Thanh Hoa vào hôm thứ ba vừa qua. Các nhà phát triển cho biết tại diễn đàn rằng họ đặt nhiều kỳ vọng vào sinh viên đặc biệt này, hy vọng "cô" có thể tiếp tục học hỏi, khám phá và trau dồi khả năng sáng tạo và giao tiếp trong tương lai. Các nhà phát triển cho biết "cô" cũng có thể được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp đại học.

Hoa Trí Bình dựa trên phiên bản mới nhất của mô hình học sâu do Trung Quốc phát triển, Ngộ Đạo 2.0, hay Khai Sáng. Nó có thể xử lý 1,75 nghìn tỷ thông số, phá vỡ kỷ lục 1,6 nghìn tỷ do mô hình ngôn ngữ AI Switch Transformer của Google thiết lập trước đó. Ngộ Đạo cũng được hy vọng sẽ có nhiều lợi ích tích cực, như giảm chi phí của quá trình đào tạo các mô hình học máy, bao gồm cả chi phí lao động và lượng khí thải carbon.

Theo Giáo sư Đường: "So với các mô hình được đào tạo trước thông thường khác như GPT-3, Ngộ Đạo là một mô hình đa phương thức, có thể hiểu và tạo ra hình ảnh cũng như các định dạng nội dung khác. Ngộ Đạo cũng cởi mở hơn so với GPT-3 và nhiều mô hình được đào tạo trước khác. Dữ liệu đào tạo, mã lập trình và API mô hình đều được công khai. Ngoài ra, nhiều ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Anh và tiếng Trung sẽ được thêm vào".

Một số người ngạc nhiên về cách Trung Quốc đã tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Một số cư dân mạng cho biết họ tò mò liệu các nhà khoa học có tạo ra một robot hình người tên là Hoa Trí Băng, thay vì một khuôn mặt và giọng nói ảo hay không.

Một số người nói đùa rằng nếu nhiều robot như Hoa Trí Băng, có thể học và làm việc, được tạo ra trong tương lai, thì sự suy giảm dân số sẽ không phải là vấn đề quá nghiêm trọng trên thế giới.

Theo Dantri/GlobalTimes, ChinaDaily

EU dự định lập pháp để hạn chế lạm dụng trí tuệ nhân tạo

EU dự định lập pháp để hạn chế lạm dụng trí tuệ nhân tạo

Dự thảo luật mới của Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra những quy định cụ thể với mức phạt cao trong việc lạm dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.    

No comments:

Post a Comment