Chính phủ yêu cầu phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, khẩn trương triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. Hiện dịch vụ này đã được cho thí điểm, nhưng vẫn đang chờ được cấp phép.
Dịch vụ Mobile Money đang chờ được cấp phép sau hơn 2 năm các nhà mạng xin cấp giấy phép.
Trước đó, ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho triển khai thí điểm Mobile Money. Thời gian thí điểm dịch vụ này là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai. Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money phải có Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định. Thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money.
|
Người dân nông thôn sẽ được trải nghiệm việc mua sắm online nhỏ lẻ, phương thức thanh toán nhanh, chính xác, hạn chế tiền mặt với dịch vụ Mobile Money. |
Chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận
Trả lời ICTnews trước đó, ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: thời gian qua, Cục Viễn thông đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông chuẩn bị nội dung của Đề án thí điểm ngay trong quá trình các Bộ ngành phối hợp xem xét trình Thủ tướng ban hành quyết định cho phép thí điểm. Từ đầu tháng 4/2021, Cục đã phân công nhóm cán bộ chuyên trách, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ TT&TT căn cứ vào quy định trong Quyết định 316 của Thủ tướng và kinh nghiệm các nước đã triển khai để hướng dẫn các doanh nghiệp lập đề án xin phép thí điểm gửi Ngân hàng Nhà nước (cơ quan chủ trì thẩm định hồ sơ). Đồng thời, chỉ đạo doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng những phương án, điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự, chính sách để triển khai dịch vụ ngay khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Theo thống kê hiện nay hơn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Thực tế cho thấy, nhiều người dân bị gạt ra ngoài hệ thống tài chính chính thống, đó là những người nghèo ở nông thôn, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa. Mobile Money sẽ là giải pháp đưa họ tiếp cận tới các dịch vụ (có trả phí) mang tính đổi đời trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội. Mobile Money thâm nhập thị trường nông thôn và số hoá chuỗi giá trị nông nghiệp. Tại các nước đang phát triển, khoảng 15% người trưởng thành có doanh thu từ bán nông sản, nhưng đa số họ nhận tiền mặt, hình thức thanh toán rủi ro, không hiệu quả và bất tiện khi thu tiền.
Mobile Money sẽ góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch, từ đó làm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Đặc biệt, với người dân nông thôn, nhờ Mobile Money, họ sẽ được trải nghiệm việc mua sắm tiện ích và phương thức thanh toán nhanh, chính xác, hạn chế tiền mặt và phù hợp với mua sắm online nhỏ, lẻ.
Mobile Money sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng
Bình luận về vấn đề này, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, dịch vụ Mobile Money sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
"Nếu được cấp phép sớm, Mobile Money sẽ là sandbox đầu tiên của Chính phủ để tạo đột phá và động lực mạnh mẽ cho các công nghệ mới, dịch vụ mới được đưa ra cho xã hội. Nếu chúng ta nhìn nhận dịch vụ mới đem lại quyền lợi cho người dân và đất nước sẽ rất dễ dàng đưa những sandbox này nhằm tạo động lực phát triển. Thế nhưng, nếu nhìn vào lợi ích ở đâu đó sẽ có sự lấn cấn nhất định. Sandbox chính là bài toán đặt lợi ích quốc gia và xã hội lên hàng đầu trong xu hướng kinh tế số phát trển mạnh mẽ. Chính sách có thừa nhận những cái mới, thành phần mới tham gia vào thị trường không hay là vẫn giữ lãnh địa riêng cho những cái cũ. Sandbox sẽ tạo môi trường pháp lý đột phá, dám chấp nhận thay đổi, chấp nhận cái mới tạo nên sức sống mới của xã hội trong xu hướng chuyển đổi số", ông Vũ Hoàng Liên nói.
Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam nhấn mạnh rằng, cơ hội cho các nhà mạng đối với Mobile Money là rất rõ ràng khi họ đang có trong tay tập khách hàng bởi hầu hết người dân Việt Nam đều dùng di động. Các dịch vụ của nhà mạng cũng là nền tảng kết nối nhiều dịch vụ thiết yếu của xã hội nên sẽ mở ra cơ hội tốt cho dịch vụ Mobile Money phát triển.
Thái Khang
Theo ictnews.vietnamnet.vn
No comments:
Post a Comment