Thế nào là một đứa trẻ 'nghiện màn hình'? Có phải cứ xem nhiều, dùng nhiều thiết bị điện tử là 'nghiện màn hình' hay không?
Chỉ cần bước chân ra khỏi nhà, nhìn quanh trong 1 phút, bạn sẽ thấy một đứa trẻ đang dán mắt vào màn hình to ngang gương mặt của chúng. Trong khi chứng kiến những thành tựu công nghệ đáng kinh ngạc trong thế kỷ 21, phụ huynh cũng nhận ra rằng chỉ cần ném cho trẻ một cái điện thoại hay máy tính bảng là có thể xua đi cơn buồn chán, giận dữ.
Ngày nay, cụm từ “nghiện màn hình” xuất hiện dày đặc trên báo chí. Nó thường được dùng để chỉ các hành vi xấu có liên quan tới màn hình. Chúng ta đang sống trong thời đại mà trẻ được tiếp xúc với công nghệ nhiều chưa từng có. Chẳng hạn, tại Australia, vào năm 2017, ước tính 94% trẻ vị thành niên, 67% học sinh tiểu học, 36% học sinh mầm non sở hữu smartphone.
Dữ liệu từ tổ chức Global Web Index năm 2019 chỉ ra một người từ 16 tới 64 tuổi trung bình dùng 7 tiếng mỗi ngày cho các loại màn hình. Tại Mỹ, năm 2017, trẻ từ 0 đến 2 tuổi xem màn hình khoảng 2 tiếng 20 phút mỗi ngày, trẻ từ 8 đến 12 tuổi xem 4 tiếng 30 phút mỗi ngày.
Không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ mang lại cho cuộc sống, chẳng hạn smartphone giúp con liên lạc với bố mẹ, thầy cô, bạn bè. Chúng ta buộc phải hiểu rằng, chưa có đủ thông tin để khẳng định việc sử dụng các thiết bị quá mức có lợi hay có hại đến sức khỏe thể chất và tâm lý. Công nghệ còn có quá mới mẻ để biết nó có gây tác động lâu dài tới sự phát triển của trẻ trong kỷ nguyên smartphone hay không.
Nghiện màn hình là gì? Đó là khi sử dụng màn hình trở nên thường xuyên tới mức suy giảm hoạt động hàng ngày trong năng suất lao động, quan hệ xã hội, sức khỏe thể chất, tâm lý. Với trẻ, nó có thể đồng nghĩa với can thiệp vào việc học tập, tác động tiêu cực đến các mối quan hệ, khuyến khích trẻ lười vận động, ngủ ít đi, làm cho trẻ buồn rầu, không vui.
Dù vậy, cho tới nay chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng nào cho chứng rối loạn mang tên “nghiện màn hình”. Thay vì gọi “nghiện màn hình”, chúng ta có thể gọi các loại hành vi kể trên là “việc sử dụng smartphone có vấn đề”. Smartphone là thiết bị di động chính mà trẻ sử dụng nhưng cũng có thể mở rộng cho cả tablet và những thiết bị có màn hình, kết nối Internet khác.
Não của người lớn phát triển hơn, trong khi não của trẻ em dễ thay đổi đáng kể về cấu trúc và và kết nối, có thể làm chậm sự phát triển thần kinh và dẫn đến rối loạn phụ thuộc vào màn hình. Trong nghiên cứu của Giáo sư tâm lý học Aric Sigman đăng trên Tạp chí Hiệp hội Thần kinh trẻ em quốc tế, ông viết: “”Nghiện” là từ mô tả số lượng ngày càng nhiều trẻ em tham gia và các hoạt động màn hình khác nhau theo một cách có vấn đề, phụ thuộc”.
Nếu đưa cho trẻ bất kỳ loại màn hình kỹ thuật số nào, bạn sẽ thấy chúng gần như không thể dừng xem, dừng chơi hay nhắn tin. Dù vậy, theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Con người của Đại học Michigan, dấu hiệu nghiện màn hình rất khác biệt. Nó không nhất thiết gắn liền với thời gian trẻ dùng smartphone, tablet hay máy tính. Thay vào đó, cách trẻ sử dụng thiết bị mới là dấu hiệu rõ nhất chứng tỏ có vấn đề về mặt cảm xúc, xã hội nào liên quan tới nghiện màn hình hay không.
Tác giả chính của nghiên cứu, Sarah Domoff, chia sẻ: “Thông thường, các nhà nghiên cứu và bác sĩ định lượng hay cân nhắc thời gian sử dụng màn hình như chỉ số quan trọng trong việc xác định điều gì là bình thường, bất thường, lành mạnh hay không lành mạnh. Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh có nhiều thứ quan trọng hơn cả số giờ đồng hồ. Điều quan trọng nhất là việc sử dụng màn hình có gây ra vấn đề trong các khía cạnh khác của cuộc sống không hay đã trở thành một hoạt động tiêu tốn toàn bộ sức lực”.
Bà Domoff tin rằng đây là nghiên cứu đầu tiên tại Mỹ đo lường nghiện màn hình trong trẻ từ 4 đến 11 tuổi. Nó cũng có thể thay đổi cách phụ huynh nghĩ về kiểm soát thời gian con dùng màn hình. Trẻ hoàn toàn được sử dụng thiết bị một cách linh hoạt, miễn là không xuất hiện 9 hành vi đặc biệt. Đó là: không thể kiểm soát; mất hứng thú; cả ngày chỉ nghĩ về màn hình; can thiệp vào hoạt động gia đình; gây rắc rối cho mọi người; tức giận không được dùng thiết bị; thời gian sử dụng ngày càng tăng; dùng mánh khóe để được sử dụng màn hình và cuối cùng màn hình là thứ duy nhất xua tan nỗi buồn cho trẻ.
Nếu những đứa con của bạn có nhiều hơn một dấu hiệu này, đã đến lúc bạn cân nhắc lại về việc trẻ sử dụng màn hình cũng như bắt tay vào kế hoạch loại bỏ dần dần thiết bị trước khi mọi thứ trở nên quá muộn.
Du Lam
No comments:
Post a Comment