Với việc phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng đến năm 2025, lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình cấp quốc gia riêng về bảo vệ trẻ em trên mạng.
Trang bị “hệ miễn dịch số” cho trẻ em
Hôm nay, 1/6, đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi cũng là ngày đầu tiên của Tháng hành động vì trẻ em năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 830 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”.
Việc ban hành Chương trình là sự cụ thể hóa quá trình thực hiện Nghị quyết 121 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ bảo vệ thế hệ công dân số tương lai, hướng tới xây dựng, duy trì một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em thỏa sức sáng tạo.
|
Một mục tiêu của Chương trình là duy trì môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo. (Ảnh: Teky). |
Chương trình hướng tới “mục tiêu kép”, đó là: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; Duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.
Một trong những mục tiêu cụ thể của Chương trình là 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ để tham gia môi trường mạng an toàn.
100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội. Phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, các trang web tên miền quốc gia “.vn”, trang web có địa chỉ IP tại Việt Nam cần tự phân loại nội dung phù hợp với các độ tuổi của trẻ em; nếu có cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho trẻ em, tự triển khai các giải pháp để bảo vệ trẻ em và hỗ trợ cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ quản lý việc sử dụng ứng dụng, dịch vụ của con em.
Nhiều sáng kiến, giải pháp đột phá để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. có tính liên ngành cao. Cụ thể, phía cơ quan quản lý nhà nước, có sự vào cuộc của các Bộ: TT&TT, LĐTB-XH, GD-ĐT, Công an.
Chương trình còn sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và sự tham gia của các doanh nghiệp TT&TT, cơ quan báo chí.
Đặc biệt, để triển khai Chương trình hiệu quả, nhất thiết phải có sự vào cuộc của các bậc cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ.
Chương trình mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đưa ra nhiều sáng kiến, nhiệm vụ, giải pháp đột phá như: Triển khai các giải pháp công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…) để tự động thu thập, phân tích cảnh báo sớm, ngăn chặn/xử lý nội dung vi phạm pháp luật về trẻ em, nội dung không phù hợp đối với trẻ em; Thành lập và tổ chức hoạt động của "Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" với các nhiệm vụ chính gồm nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tiếp nhận, phân loại, chuyển xử lý kịp thời những phản ánh, vấn đề phát sinh đối với trẻ em trên môi trường mạng.
Xây dựng và triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sáng kiến, cung cấp các giải pháp kỹ thuật an toàn thông tin bảo vệ trẻ em tương tác an toàn trên môi trường mạng; đề xuất cơ chế thí điểm đặt hàng doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển để hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo trên môi trường mạng.
Tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111; hướng tới hình thành một ứng dụng duy nhất trên môi trường mạng để phản ánh, chia sẻ các vấn đề liên quan tới trẻ em.
Xây dựng và lồng ghép vào chương trình giáo dục việc đào tạo “bộ kỹ năng số” cho trẻ em theo độ tuổi gồm một số nội dung, kỹ năng như: kiến thức về mạng Internet, mạng xã hội; kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin tối thiểu; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; cách thức nhận biết khi bị lợi dụng, xâm hại trên môi trường mạng và nơi cần thông tin, phản ánh…
Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật tại trường học nhằm giám sát, chặn lọc truy cập các nội dung vi phạm pháp luật, nội dung không phù hợp với học sinh theo từng lứa tuổi.
Vân Anh
Sử dụng trí tuệ nhân tạo lọc nội dung độc hại với trẻ em trên Internet
CyberPurify Kids sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên trình duyệt để nhận dạng, ngăn chặn hiển thị 15 loại nội dung độc hại với trẻ em. Sản phẩm này sẽ được cung cấp miễn phí cho trường học, phòng lab và những nơi có máy tính công cộng.
No comments:
Post a Comment