Danh mục 55 dịch vụ công trực tuyến cần sớm tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt ngày 22/3.
48 dịch vụ online mức 4 cần sớm được cung cấp
Trong danh mục dịch vụ công trực tuyến cần sớm tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2021 mới được phê duyệt, 11 dịch vụ thuộc nhóm dịch vụ công thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư như: Cấp, cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân; Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân; Đăng ký thường trú; Đăng ký tạm trú; Khai báo tạm vắng; Thông báo lưu trú; Liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Cấp hộ chiếu phổ thông…
|
Cổng Dịch vụ công Quốc gia ngày càng tích hợp nhiều dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân truy cập. |
Cùng với đó, danh mục mới ban hành còn gồm có 44 dịch vụ thuộc nhóm dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo đánh giá Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, đó là các dịch vụ như: Gia hạn tạm trú, cấp thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam; Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; Cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng; Đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; Đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp; Thanh toán học phí; Thanh toán viện phí…
Đáng chú ý, theo thống kê, trong danh mục dịch vụ công trực tuyến cần sớm tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2021, có 48 dịch vụ mức 4.
|
Trong danh mục dịch vụ công trực tuyến cần sớm cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ thời điểm cần hoàn thành của từng dịch vụ. |
Ngoài các dịch vụ công trực tuyến thuộc danh mục nêu trên, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện thực tiễn của bộ, ngành, địa phương để phê duyệt danh mục, lộ trình, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến thuộc phạm vi quản lý trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021 đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại Nghị quyết 01 ngày 1/1/2021 của Chính phủ.
Cụ thể, tại Nghị quyết 01, Chính phủ đã giao chỉ tiêu: Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia phải tăng thêm 20% so với năm 2020.
Các bộ, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Trong phát biểu bế mạc phiên họp thường kỳ của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử vào chiều 10/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban đã ghi nhận, một thành công được tổng kết là các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được phát triển để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là Cổng Dịch vụ công Quốc gia do Văn phòng Chính phủ đề xuất điều hành, phát triển.
|
Thời gian qua, một thành công đã được tổng kết là các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được phát triển để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp. |
Hiện tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đạt 31%. Một số bộ, ngành, địa phương cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4 như Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tỉnh Bến Tre…
Cổng Dịch vụ công Quốc gia ngày càng tích hợp nhiều dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân truy cập. Hiện có 2.800 dịch vụ được tích hợp, không phân biệt địa giới hành chính. Đây là một thành công. Người dân, doanh nghiệp rất vui mừng, giảm bớt chi phí, tiêu cực, nhũng nhiễu.
Nhận định một trong những hạn chế thời gian qua là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 vẫn thấp, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, triển khai hệ thống Chính phủ điện tử cấp bộ, tỉnh thuận lợi nhất.
M.T
Chính phủ điện tử: Giải quyết các điểm nghẽn bằng cách tiếp cận mới
Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP về phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, có cách tiếp cận mới để giải quyết các điểm nghẽn và nhiều vấn đề đã tồn tại dai dẳng.
No comments:
Post a Comment