Sau hàng chục năm thụ án, các tù nhân mãn hạn ngỡ ngàng khi bước vào thế giới công nghệ hoàn toàn mới.
|
Ngày 2/9/2020, khi ánh mặt trời phả hơi nóng xuống khu vực phía đông Illinois, Renaldo Hudson rời khỏi Trung tâm Cải huấn Danville với nụ cười tươi trên mặt. Sau 37 năm trong tù, đây là lần đầu tiên ông được tận hưởng lại cảm giác tự do.
Cuối ngày hôm đó, Hudson tìm đến Precious Blood Ministry of Reconciliation, một tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ giúp đỡ các cựu tù nhân hòa nhập với cộng đồng.
Bước vào thế giới mới
Hudson được trao chiếc điện thoại Samsung sau đó, một trong những công nghệ vượt xa trí tưởng tượng của những người sinh sống thời điểm năm 1983.
“Mọi người nói như thể thứ này sử dụng rất đơn giản. Họ nói hãy truy cập trình duyệt của bạn và mở nó lên. Tôi không hiểu họ đang nói gì, trình duyệt là ai cơ?”, người đàn ông 57 tuổi thắc mắc.
|
Giống như các cựu tù khác, Hudson vật lộn với không ít khó khăn khi làm quen với công nghệ. Ảnh: Alex Wroblewski. |
Giống như nhiều tù nhân được trả tự do sau khi thụ án dài, Hudson nhận ra mình đang bước vào thế giới mới, một thế giới phụ thuộc vào công nghệ cũng như sự đổi mới. Thậm chí, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 cũng tác động lên nhiều mặt của cuộc sống, tạo ra không ít thử thách cho những người như Hudson.
Không có kiến thức toàn diện về Internet, các cựu tù nhân không thể tái hòa nhập cộng đồng. Thời gian thụ án dài khiến các cựu tù phải vật lộn để thích nghi với nhiều thập kỷ đổi mới công nghệ. Một số người cho rằng chính các dịch vụ xã hội và chương trình việc làm cũng thường bỏ qua vấn đề này.
Khi Hudson bị bắt giam vào năm 1983, một chiếc điện thoại thời đó nặng đến 1 kg và lớn hơn cả cục gạch. Internet cũng đã manh nha ra đời, tuy nhiên hệ thống này khác hoàn toàn với thế hệ Internet mà chúng ta biết tới ngày nay.
“Internet dẫn tôi đến một thế giới mà tôi không thể tưởng tượng được”, Hudson chia sẻ.
Có những dịch vụ thiết yếu mà tù nhân sau khi trở về nhà được tiếp cận ngay tức khắc như bảo hiểm y tế, giấy tờ tùy thân, phiếu thực phẩm, chế độ chăm sóc y tế hay cơ hội nhận việc làm. Trước khi đại dịch xảy ra, các cựu tù thường tìm đến Sở Phương tiện Cơ giới, văn phòng dịch vụ xã hội hoặc cơ quan nhân sự để tiếp cận dịch vụ.
Giờ đây, mọi thứ đều hoạt động trực tuyến, gây ra cho các tù nhân mãn hạn tù nhiều trở ngại.
“Chúng tôi phải dành thời gian định hướng mọi thứ cho các cựu tù. Từ gửi email, đính kèm tài liệu, tất cả mọi thứ, những thứ cơ bản nhất để làm quen với nhịp độ sống ngày nay”, Wendell Robinson, người quản lý chương trình Restore Justice, một tổ chức phi lợi nhuận liên quan đến lĩnh vực tư pháp hình sự tại Illinois, cho biết.
Robinson từng là cựu tù được trở về nhà từ năm 2018. Ông đã hoàn thành quá trình thụ án sau 25 năm.
Soble, người phụ trách điều hành Dự án Nhà tù Illinois, cho biết hầu hết khách hàng của cô đều thuộc nhóm tuổi từ 60-70. Hầu hết thành viên trong nhóm phải chịu mức án tù 30 năm tù trở nên.
“Họ thực sự không biết phải bắt đầu từ đâu. Họ thậm chí không hiểu làm thế nào để bật máy tính”, Soble nhận xét.
“Bước vào nhà tù như bước vào chuyến du hành thời gian”
Cùng với Washington, ít nhất 18 bang nước Mỹ đã ban hành chính sách phóng thích nhân ái vào năm 2020 để giảm mật độ tù nhân trong trại. Phần lớn họ là những tù nhân sắp mãn hạn tù, già yếu hoặc dễ chịu tổn thương khi mắc Covid-19.
Tuy tham gia vào quá trình phóng thích và chịu trách nhiệm soạn thảo kế hoạch tái hòa nhập cho các thân chủ, Maria Burnett, luật sư nhân quyền tại Washington, thậm chí không tính đến những lỗ hổng kiến thức của những cựu tù nhân này.
|
Harold Hagerman và Wendell Robinson phải tham gia các khóa định hướng sử dụng công nghệ. Ảnh: Alex Wroblewski. |
“Tôi cứ tưởng rằng mình đã tính đến nhiều yếu tố và tìm hiểu kỹ càng những khó khăn mà John (thân chủ của Burnett) gặp phải. Tôi không lường trước được rằng sự hòa nhập của cựu tù nhân sẽ phụ thuộc vào trình độ công nghệ của họ”, Burnett cho biết.
Phải đến khi John liên tục bỏ lỡ các cuộc hẹn trực tuyến, Burnett mới nhận ra những khó khăn mà John đang gặp phải.
Anh bỏ lỡ các cuộc hẹn khám chữa bệnh từ xa do không biết rằng điện thoại của mình phải kết nối Wi-Fi hoặc dịch vụ di động để. Anh thậm chí không biết cách truy cập vào ứng dụng Zoom để tham gia vào các nhóm hỗ trợ tái hòa nhập.
“Tôi thề với bạn, bước vào nhà tù như bước vào chuyến du hành thời gian”, Hudson nhấn mạnh.
“Một người bạn đưa tôi chiếc iPhone 11 ngay trong đêm khi tôi trở về nhà. Tôi không biết phải làm cái gì với thứ đó. Tôi trở về nhà và choáng ngợp khi nhìn tất cả những công nghệ này. Tôi như người ở thời kỳ đồ đá vậy”, Harold Hagerman, thành viên Chương trình Học việc Lãnh đạo Tương lai tại Restore Justice. Anh mới trở về nhà từ đầu năm 2020 sau 28 năm trong tù.
Việc thiếu những kiến thức cơ bản và lo lắng khi yêu cầu sự giúp đỡ là một trong những trở ngại của cựu tù nhân.
“Điều đáng sợ là bạn không muốn hỏi han thêm. Bạn không muốn cảm thấy mình chậm chạp. Giống như việc họ làm mẫu một lần và mong đợi bạn hiểu luôn nó”, Hagerman nói thêm.
Tìm đến thế hệ trẻ để xin trợ giúp
Ngoài việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức phi lợi nhuận và thư viện công cộng, các cựu tù nhân có thể tiếp cận những kiến thức cơ bản về công nghệ trong chính gia đình hoặc bạn bè họ.
Robinson cho biết biết anh đã gặp cháu trai 2 tuổi của mình khi cậu bé trở về nhà và ngạc nhiên trước khả năng thao tác trên điện thoại thuần thục của cậu ý.
|
Thế hệ trẻ ngày nay có khả năng tiếp cận nhiều hơn với công nghệ. Ảnh: PAP. |
“Thằng bé con này, nó đi loanh quanh, ngậm núm vú giả trong miệng, đóng bỉm nhưng lại có thể nhấc điện thoại lên và sử dụng. Cậu bé là nguồn cảm hứng của tôi. Tuy không thể đọc, thậm chí không thể nói chuyện rành rọt, tôi không hiểu làm thế nào cậu bé có thể vượt mặt tôi”, Robinson cho biết.
Theo Robinson, những thành viên trẻ nhất trong gia đình không chỉ là những người hiểu biết nhất về công nghệ, họ còn là những người ủng hộ ông trong hành trình làm quen với công nghệ.
“Các cháu gái và cháu trai của tôi, những đứa trẻ nhỏ nhắn, chúng như giáo viên đang chỉ bảo cho tôi vậy”, Robinson chia sẻ.
Ngoài Robinson, Burnett cho biết đứa con gái 9 tuổi của cô chính là người dạy các thân chủ học cách sử dụng Zoom. Họ dành cả buổi chiều bên ngoài quán cà phê, tìm hiểu cách kết nối Internet cũng như cách hoạt động của ứng dụng.
“Thật tuyệt vời khi thấy con gái tôi có khả năng dạy ai đó những kiến thức cơ bản về công nghệ”, Burnett tự hào nói.
Theo Zing/NBC News
Trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến 'ý chí tự do' của con người
Trí tuệ nhân tạo đã thâm nhập vào mọi khía cạnh cuộc sống, chúng ta vừa tận hưởng những tiện ích mà nó mang lại nhưng lại lo bị nó ảnh hưởng đến “ý chí tự do”.
No comments:
Post a Comment