Silk Road được mệnh danh là thiên đường cho các giao dịch trái phép cho đến khi người sáng lập bị bắt vào năm 2013.
|
Vào năm 2011, nước Mỹ chao đảo vì sự xuất hiện của một trang web buôn hàng cấm khét tiếng có tên là Silk Road, hay Con đường Tơ lụa.
Trang này được mệnh danh là Amazon của thế giới ngầm, nơi mọi người có thể đăng bán mọi loại hàng hóa kể cả ma túy. Các cơ quan điều tra đã phải đau đầu vì mức độ ẩn danh và bảo mật của nền tảng này.
Wired cho rằng Silk Road là lá cờ đầu trong phong trào buôn thuốc phiện trong giới dark web - hay web chìm.
“Họ mua bán mọi thứ trái phép trên đời: từ vũ khí, chất độc cho đến ma túy”, Vincent D'Agostino, một đặc vụ FBI chia sẻ.
Theo báo cáo của cảnh sát, 4.000 người buôn ma túy đã giao dịch với hơn 100.000 khách hàng thông qua Silk Road. Trong đó, một số người bán cả tên lửa.
Nhiều giả thuyết được đặt ra về cha đẻ của trang web. Nhưng theo FBI, người đứng sau nền tảng này lại là một kỹ sư công nghệ 27 tuổi đầy tiềm năng với nhân thân trong sạch.
Những năm tuổi trẻ của chàng kỹ sư tai tiếng
Ross William Ulbricht, đối tượng bị tình nghi là cha đẻ Silk Road, xuất thân là sinh viên khoa Vật lý tại Đại học Texas.
Theo Investopedia, Ulbricht sở hữu một bộ não thiên tài. Trong quãng thời gian đi học, anh đã xuất bản nhiều nghiên cứu học thuật, trong đó ấn tượng nhất là công nghệ “pin mặt trời đồng nhất với cực dương cải tiến”.
“Mục tiêu của tôi là mở rộng hiểu biết về thế giới cho nhân loại”, Ulbricht đăng trên LinkedIn.
|
Chân dung của ông trùm khét tiếng. Ảnh: Investopedia. |
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Pennsylvania, anh trở về quê nhà ở Austin để lập nghiệp. Ulbricht đã thử sức trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, phát triển trò chơi điện tử và cả bán sách trực tuyến. Tuy nhiên, cố gắng của anh không đem lại nhiều thành công.
Từ năm 2010, là người cởi mở với các tư tưởng thị trường tự do, Ulbricht ấp ủ ý tưởng về một thị trường trực tuyến thật sự, nơi mọi người không bị ràng buộc hoạt động mua bán. Anh tin rằng, mọi người đều có quyền mua hoặc bán bất cứ thứ gì họ muốn, miễn là nó không làm hại đến ai.
Với Tor, phần mềm giúp người dùng ẩn danh và che giấu lịch sử giao dịch. Cùng với Bitcoin, loại tiền ảo có độ bảo mật và ẩn danh cao, Ulbricht tạo ra Silk Road vào năm 2011.
Biệt danh tự đặt của Ulbricht là “Dread Pirate Roberts” (hải tặc đáng sợ Roberts), nhân vật từ một bộ phim của những năm 80. “Tôi sẽ cho mọi người trải nghiệm mô phỏng kinh tế về một thế giới không có áp đặt và bạo lực”, Ulbricht viết trên LinkedIn.
Từ đó, hàng tỷ USD giao dịch trái phép đã được thực hiện tại "con đường tơ lụa" Silk Road.
|
Ma túy được bán trên "con đường tơ lụa". Ảnh: Oxygen. |
Hồi kết của một đế chế
Vào đầu năm 2013, theo The Daily Dot, cá nhân có liên quan đến Silk Road bị kết án đầu tiên là một người buôn thuốc phiện người Úc.
Trong một thời gian ngắn sau, nhờ sự xâu chuỗi của vụ án đầu tiên, danh tính của phần lớn người dùng Silk Road đã bị cơ quan điều tra phanh phui, trong đó có cả Ulbricht.
Tháng 10 cùng năm, khi phát hiện ông trùm Silk Road đang ngồi tại chi nhánh Glen Park của Thư viện Công cộng San Francisco, hai đặc vụ cảnh sát đã cải trang thành cặp tình nhân đang cãi nhau.
Sau đó, nhằm tránh việc các tập tin bị mã hóa, một đặc vụ thứ ba nhanh chóng sao chép dữ liệu gốc từ máy tính của Ulbricht khi anh đang phân tâm và bắt giữ ông trùm ngay lập tức.
Trước đó, Ulbricht đã bỏ ra 80.000 USD thuê sát thủ với mật danh “cirrus” để giết một đồng nghiệp có nguy cơ cản trở việc làm ăn của mình. Nhưng hóa ra, cirrus là một đặc vụ cảnh sát ngầm đang điều tra Silk Road có tên là Jared Der-Yeghiayan.
Jared không những đã cứu sống mục tiêu của ông trùm, mà còn cáo buộc Ulbricht thêm một số tội danh giết người.
|
Ross William Ulbricht hầu tòa. Ảnh: WIRED. |
Ulbricht bị kết án bảy tội danh bao gồm rửa tiền, hack máy tính, buôn bán trái phép, và bị tuyên 2 án chung thân cùng 40 năm tù giam không được ân xá. Anh bị giam tại nhà tù ở Tucson, bang Arizona.
Trong chiến dịch càn quét Silk Road, FBI đã thu giữ được 144.336 đồng bitcoin. Số tiền này được đem đấu giá và thu về 48 triệu USD cho chính phủ.
Khi Ulbricht bị bắt, một phiên bản khác của trang web là Silk Road 2.0 được đưa vào hoạt động dưới sự quản lý của người quản trị cũ. Tuy nhiên, nhân vật này sau đó cũng không sống sót nổi sau một năm và đã bị bắt vào năm 2014.
Nỗ lực kháng cáo không thành
Cuối năm 2016, luật sư của Ulbricht đệ đơn kháng cáo. Ông cho rằng thân chủ của mình đúng là có tạo ra Silk Road, nhưng không dính líu đến các tội danh của Dread Pirate Roberts và FBI không thể đưa ra cách thức điều tra cụ thể.
Bản thân Ulbricht cũng không đồng tình với sự khắc nghiệt của bản án. Tuy nhiên, tòa vẫn không thay đổi quyết định trên.
Bên cạnh đó, người ủng hộ Ulbricht đã thu thập được hàng vạn chữ ký và nộp đơn đề nghị ân xá cho chính quyền tổng thống Donald Trump. Dù có lượng ủng hộ không nhỏ, cùng hậu thuẫn từ người trong các cơ quan chính phủ, đề nghị trên vẫn chưa được thông qua.
|
Người ủng hộ Ulbricht biểu tình. Dòng chữ trên bảng lớn: "Không nạn nhân, không phạm tội". Ảnh: USNews. |
Ulbricht cũng đã bày tỏ nỗi thất vọng về bản án trên mạng xã hội Twitter.
Toàn bộ câu chuyện của Silk Road đã chắp ý tưởng cho nhiều đạo diễn Hollywood như Alex Winter với bộ phim “Deep Winter”, hay Tiller Russell với “Silk Road” vào ngay đầu năm nay.
Ông trùm Silk Road là một biểu tượng đối với thế giới ngầm và nhiều chính trị gia nước Mỹ. Họ cho rằng bản án của Ulbricht là nặng một cách quá đáng và phê phán hệ thống tư pháp tại đây.
Theo Zing/Investopedia, CBS News, CoinDesk, Wired
Chợ đen online lớn nhất thế giới vừa bị triệt phá
Theo thông tin từ giới chức Đức, DarkMarket, thị trường chợ đen lớn nhất thế giới, vừa bị Cảnh sát Châu Âu (Europol) phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế đánh sập.
No comments:
Post a Comment