Nigeria là quốc gia có lượng giao dịch Bitcoin nhiều thứ 3 thế giới, phản ánh sự mất niềm tin của người dân vào các hình thức đầu tư truyền thống.
|
Tola Fadugbagbe chuyển từ một thị trấn nhỏ đến Lagos (thành phố lớn nhất Nigeria) cách đây 10 năm với mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Thực tế, chàng trai 34 tuổi phải làm lụng vất vả, kiếm từng đồng để sống qua ngày.
Đến năm 2016, quảng cáo đầu tư Bitcoin xuất hiện trên Internet khiến Fadugbagbe chú ý. “Tôi bắt đầu nghiên cứu sâu về Bitcoin”, Fadugbagbe dành hàng giờ xem video, đọc các bài viết về Bitcoin rồi đầu tư 100-200 USD.
Quyết định trên đã thay đổi cuộc đời Fadugbagbe. Đến đầu tháng 2 năm nay, Fadugbagbe sở hữu lượng Bitcoin tương đương 200.000 USD, mua được nhà riêng nhờ đầu tư tiền mã hóa.
|
Nigeria là quốc gia có lượng giao dịch Bitcoin nhiều thứ 3, tỷ lệ dân số sử dụng Bitcoin nhiều nhất thế giới. Ảnh: Decrypt. |
"Tôi xem Bitcoin như ngân hàng"
“Không một người Nigeria nào muốn nhớ lại quá khứ khi đầu tư tiền mã hóa. Đó là cơ hội lớn”, Fadugbagbe chia sẻ với BBC.
Thành công của Fadugbagbe nhờ Bitcoin đã thu hút hàng triệu người Nigeria tham gia đầu tư tiền mã hóa. Theo Statista, 32% người Nigeria tham gia khảo sát năm 2020 có sử dụng tiền mã hóa, tỷ lệ cao nhất thế giới.
Trong số 10 quốc gia giao dịch Bitcoin nhiều nhất toàn cầu, Nigeria xếp thứ 3 với giá trị giao dịch 400 triệu USD, xếp sau Mỹ và Nga. Dù đã thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế diễn ra cách đây 5 năm, môi trường kinh doanh tại Nigeria vẫn khó khăn khiến nhiều người chuyển sang đầu tư tiền mã hóa để kiếm thêm thu nhập.
Năm 2020, Ngân hàng Trung ương Nigeria đã phá giá naira (tiền Nigeria) đến 24%. Nhiều lo ngại rằng giá trị đồng tiền này sẽ giảm thêm 10% trong năm nay. Ngược lại, lạm phát lương thực tăng mạnh khiến giá cả hàng hóa leo thang.
Michael Ugwu, nhà sáng lập công ty truyền thông tại Lagos đã bán đất vào năm 2018 để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tuy thu nhập của Ugwu bằng naira tăng lên, nó vẫn mất giá khi quy đổi sang USD.
|
Đồng naira mất giá khiến nhiều người Nigeria tìm sang Bitcoin để giữ tiền. Ảnh: Getty Images. |
Đó là lúc Ugwu nghĩ đến Bitcoin. Một thời gian sau, Ugwu đã thu lời gấp 50 lần số tiền bỏ ra. Riêng trong năm ngoái, khoản Bitcoin mà anh đầu tư tăng giá gấp 10 lần.
Bất chấp sự biến động của tiền mã hóa, Ugwu xem Bitcoin là công cụ giá trị để “phòng ngừa” hoặc giảm rủi ro khi sống trong một "môi trường nguy hiểm".
Onyeka, vợ của Ugwu cũng đầu tư tiền mã hóa do phải chịu khoản phí cao mỗi lần chuyển tiền giữa tài khoản ngân hàng Nigeria và Anh.
“Tôi xem Bitcoin như một hệ thống ngân hàng. Nó không liên quan đến kiếm tiền mà là một trải nghiệm ngân hàng tốt hơn. Hãy xem Bitcoin như loại tiền giữ giá trị giúp bạn tiết kiệm tiền”, Onyeka chia sẻ.
Chiến dịch càn quét Bitcoin tại Nigeria
Bất chấp sức hút của Bitcoin, nhiều chuyên gia cảnh báo tiền mã hóa là khoản đầu tư mang tính rủi ro cao. Giá Bitcoin tăng vọt trong thời gian qua có thể tạo nên hiện tượng đầu cơ, đến một ngày sẽ sụp đổ.
Ngoài nguy hiểm về giá trị, chủ một ngân hàng giấu tên tại Nigeria nhận định Bitcoin mang rủi ro pháp lý lớn.
“Chính phủ và các ngân hàng chưa quyết định việc đưa loại tiền này vào khuôn khổ. Về mặt kỹ thuật, tôi không chắc rằng hệ thống bảo mật của nó thực sự an toàn”, người này cho biết.
|
Máy mua Bitcoin bằng naira đặt tại Lagos. Tính đến tháng 6/2020, các giao dịch tiền mã hóa ra/vào châu Phi hàng tháng đã tăng lên 316 triệu USD. Ảnh: Reuters. |
Nhằm điều tiết thị trường, Nigeria đã cấm các ngân hàng tạo điều kiện cho giao dịch liên quan đến tiền mã hóa vào năm 2017, nhưng phần lớn lệnh cấm vẫn không có hiệu lực.
Đến đầu năm nay, chiến dịch càn quét tiền mã hóa tại Nigeria mới thực sự diễn ra. Ngày 7/2, Ngân hàng Trung ương Nigeria nhận định sự cần thiết trong việc bảo vệ người dân, đất nước khỏi mối đe dọa gây ra bởi "các thực thể không xác định và chưa được kiểm soát, thích hợp cho nhiều hoạt động bất hợp pháp".
Kể từ đó, tài khoản ngân hàng của nhiều người Nigeria đã bị đóng băng do giao dịch liên quan tiền mã hóa. Fadugbagbe được giám đốc ngân hàng gọi điện thông báo khóa tài khoản, cho ông một ngày để chuyển tiền.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Fadugbagbe. Một kỹ sư phần mềm đã bị khóa tài khoản ngân hàng cách đây 2 tuần chứa hàng chục nghìn naira. Dù không được ngân hàng giải thích, người này cho rằng mình bị nhắm mục tiêu vì điều hành một doanh nghiệp chuyển tiền mã hóa.
Tin tưởng tiền mã hóa hơn cổ phiếu
"Chúng tôi đặc biệt khuyên bạn không sử dụng tài khoản cho các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa, tránh gặp rắc rối với pháp luật" là nội dung trong email của một ngân hàng Nigeria gửi đến chủ tài khoản. Một số nhà đầu tư Bitcoin tại đây cho biết sẽ tiếp tục giao dịch bằng các tài khoản mở tại nước ngoài.
Những nhà đầu tư khẳng định còn có thể chuyển về các giao dịch ngang hàng một cách đơn giản. Điều đó đồng nghĩa thay vì chuyển tiền qua tổ chức tài chính hay nền tảng giao dịch, các nhà đầu tư sẽ chuyển tiền trực tiếp cho nhau hoặc thông qua người trung gian.
|
Nhiều người dân Nigeria tham gia đầu tư tiền mã hóa sau khi tài khoản ngân hàng một số thành viên tham gia phong trào biểu tình #EndSars bị đóng băng. Ảnh: Reuters. |
Đó là cách được các nhà đầu tư áp dụng trước khi cộng đồng tiền mã hóa phát triển tại Nigeria. Một số nhà đầu tư đã lên kế hoạch chuyển sang các môi trường tiềm năng khác tại châu Phi như Ghana, Rwanda và Sierra Leone. Họ cho rằng việc nhà nước quản lý tiền mã hóa là chính đáng, nhưng hình thức áp đặt đang quá nặng tay.
Kingsley Moghalu, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria, cho rằng đất nước "nên tham gia quản lý rủi ro về tiền mã hóa thay vì cấm hoàn toàn", đặc biệt khi nó mang đến nguồn thu nhập cho nhiều người trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
"Nigeria là quốc gia có khối lượng giao dịch tiền mã hóa nhiều thứ 3 thế giới. Nếu không tận dụng lợi thế, một đất nước khác sẽ thế chỗ", Gbite Oduneye, người đứng đầu công ty môi giới EGM Group tại Nigeria cho rằng chính quyền nên xây dựng hệ sinh thái, đưa tiền mã hóa vào khuôn khổ pháp lý.
Người Nigeria cũng xem tiền mã hóa là cách đầu tư dễ dàng. Nena Nwachukwu, đại diện sàn giao dịch Paxful cho biết dịch vụ này được người dân quan tâm từ năm ngoái, sau khi chính quyền đóng băng tài khoản ngân hàng của nhiều người để đói phó phong trào #EndSars, chống lại sự đàn áp của cảnh sát Nigeria.
Ngoài ra, Bitcoin được người dân Nigeria quan tâm nhiều hơn vì họ không còn tin tưởng vào hệ thống tài chính tập trung, được kiểm soát bởi chính phủ. Đó cũng là suy nghĩ của Fadugbagbe, người đã có nhiều năm lao động "như nô lệ" với mức lương tối thiểu.
"Tôi không đầu tư cổ phiếu và trái phiếu chính phủ. Đó là trò lừa đảo. Tôi tin tưởng vào tiền mã hóa hơn", Fadugbagbe chia sẻ.
Theo Zing/BBC
Điều gì xảy ra nếu cha đẻ của Bitcoin lộ mặt?
Trong bản cáo bạch nộp lên SEC, sàn giao dịch Coinbase cho biết việc người tạo ra Bitcoin lộ mặt có thể gây hại cho công ty.
No comments:
Post a Comment