Một số mạng xã hội lớn đã điều chỉnh quy định nhằm ngăn chặn nội dung kích động thù hằn giữa lúc số lượng nhãn hàng tham gia tẩy chay quảng cáo trên Facebook không ngừng tăng.
Facebook đang nỗ lực tiến hành chiến dịch giúp người dùng nhận diện tin giả trong bối cảnh làn sóng tẩy chay quảng cáo gia tăng áp lực buộc mạng xã hội (MXH) này phải giải quyết vấn đề thông tin sai lệch và phát ngôn thù địch trên nền tảng của mình.
Hiệu ứng domino
Ông Steve Hatch, Phó Chủ tịch Facebook phụ trách khu vực Bắc Âu, cho biết chiến dịch nhận định thông tin trên mạng xã hội được triển khai cùng với công cụ kiểm tra tin giả FullFact là bằng chứng cho thấy công ty đang "lắng nghe và điều chỉnh". Thông tin sai lệch hoặc tin giả lan truyền đã trở thành vấn đề dai dẳng trong nhiều năm trên MXH, đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ông Hatch cho biết nhân viên của Facebook đã làm việc ngày đêm để giải quyết các thông tin sai trong đại dịch. "Nếu người dùng chia sẻ thông tin có thể gây tổn hại thực sự, chúng tôi sẽ gỡ bỏ nó. Chúng tôi đã thực hiện hàng trăm ngàn trường hợp như vậy" - ông Hatch nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số chuyên gia và giới phân tích cho rằng nỗ lực của Facebook tại Anh, châu Âu, châu Phi và Trung Đông là "quá ít, quá muộn". Bà Chloe Colliver, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu kỹ thuật số tại Viện Đối thoại chiến lược (Anh), cho rằng: "Chúng tôi nhận thấy Facebook có nỗ lực nhưng chưa hiệu quả trong việc ngăn chặn làn sóng thông tin sai lệch trên nền tảng này. Họ không thể chủ động đưa ra các chính sách giúp ngăn người dùng nhìn thấy thông tin sai lệch, danh tính giả, tài khoản giả và mức độ phổ biến tin giả trên nền tảng của họ".
Trong bối cảnh các MXH đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc ngăn chặn các phát ngôn và nội dung gây thù hằn, nền tảng phát nội dung trực tiếp (livestream) Twitch hôm 29-6 tạm thời cấm tài khoản của Tổng thống Donald Trump. Công ty con của Amazon này cho biết kênh phát sóng của ông Trump và một số video phát lại chiến dịch bầu cử năm 2016 đã vi phạm chính sách đối với hành vi công kích và thù hằn.
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump trong năm 2020 đã lập kênh Twitch riêng vào tháng 10 năm ngoái. Twitch cũng đã cảnh báo với đội ngũ truyền thông của ông Trump rằng sẽ không có bất kỳ ngoại lệ nào đối với chính trị gia trong việc tuân thủ các điều khoản dịch vụ và nguyên tắc cộng đồng của Twitch.
|
Twitch treo tài khoản của ông Donald Trump còn Reddit đóng cửa các tài khoản của nhóm ủng hộ viên lớn nhất của tổng thống Mỹ vì vi phạm chính sách chống hành vi công kích thù hằn trong cùng 1 ngày. Ảnh: Cubasi.cu |
Song song đó, MXH Reddit cũng thông báo khóa chuyên mục r/The_Donald, nơi tập trung tất cả những thông tin liên quan đến Tổng thống Donald Trump, với lý do vi phạm quy tắc về các phát ngôn. r/The_Donald không thuộc sự quản lý của chính quyền ông Trump nhưng ông Trump đã từng sử dụng để tham gia sự kiện Ask Me Anything (tạm dịch "Hỏi tôi bất cứ điều gì") với tư cách là ứng viên tổng thống vào năm 2016. Reddit cho biết họ cũng đã cấm khoảng 2.000 tài khoản Reddit vì vi phạm các quy tắc liên quan đến ngôn từ kích động, thù địch và phân biệt chủng tộc.
Không đứng ngoài cuộc, YouTube hôm 29/6 cũng đã có động thái cứng rắn. Trang web chia sẻ video này đã xóa bỏ 6 kênh theo tư tưởng cực hữu vì vi phạm các quy định cấm nội dung cổ xúy chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. YouTube khẳng định có chính sách nghiêm ngặt cấm các phát ngôn thù địch và sẽ chặn bất kỳ kênh chia sẻ video nào liên tục vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng các chính sách.
Theo phát ngôn viên của YouTube, sau khi cập nhật các quy định nhằm phát hiện và ngăn chặn hiệu quả những nội dung về chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, số lượng video bị gỡ khỏi YouTube đã tăng gấp 5 lần trong khi số kênh chia sẻ video bị xóa bỏ cũng tăng lên hơn 25.000 do vi phạm các chính sách về chống phát ngôn kích động thù hận. YouTube cũng cho biết các kênh bị xóa đầu tuần này đều vi phạm quy định của nền tảng thuộc sở hữu Tập đoàn Google này. Trong khi đó, một số khác vi phạm quy định cấm kết nối YouTube tới những nội dung mang tính thù hận ở các địa chỉ khác trên mạng internet.
"Đế chế" của Mark Zuckerberg
Khi số công ty tham gia chiến dịch tẩy chay #StopHateForProfit (tạm dịch "Ngừng thu lợi từ sự thù địch") ngày một tăng, áp lực kinh tế buộc Facebook thay đổi. Chiến dịch này được so sánh tương tự chiến dịch phản đối YouTube vào năm 2017. Thời điểm đó, áp lực từ các đối tác buộc YouTube điều chỉnh một số quy định, gồm tăng cường kiểm soát ngăn các quảng cáo xuất hiện bên cạnh những nội dung gây tranh cãi. Dù có một số tương đồng trong chiến dịch chống YouTube trước đây nhưng giới chuyên gia nhận định Facebook ít chịu áp lực từ bên ngoài hơn.
Ông Mark Zuckerberg là giám đốc điều hành duy nhất của Facebook, cũng là người kiểm soát tuyệt đối quyền bỏ phiếu tại nền tảng MXH này và không thể bị các cổ đông loại khỏi ban lãnh đạo. Sau loạt bê bối nhiều năm qua, vị thế của ông chủ Facebook và cách xử lý làn sóng phản đối từ bên ngoài vẫn không thay đổi.
Trong thư gửi đến các nhà quảng cáo, theo đài CNBC, Phó Chủ tịch phụ trách giải pháp kinh doanh toàn cầu của Facebook Carolyn Everson nhấn mạnh Facebook không thay đổi chính sách vì áp lực doanh thu. Theo bà Everson, Facebook đặt ra chính sách dựa trên các nguyên tắc thay vì lợi ích kinh doanh.
Các chuyên gia nhận định bất chấp những tổn thất hiện tại, Facebook khó có khả năng chịu thiệt hại đáng kể. Ngược lại, một số công ty, tùy thuộc vào quy mô kinh doanh, có thể tổn thất kinh tế nếu giới hạn hợp tác với gã khổng lồ MXH có hơn 2,6 tỉ người dùng.
Theo NLĐO
'Mark Zuckerberg là tay trùm nguy hiểm nhất lịch sử'
Đó là khẳng định của Giáo sư Scott Galloway tại khoa Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, tác giả cuốn sách ăn khách "The Four".
No comments:
Post a Comment