Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều đề xuất Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) cần bổ sung quy định về định danh, xác thực điện tử cũng như quy định cụ thể hơn về chữ ký điện tử.
Giao dịch điện tử ngày càng quan trọng
Ngày 2/7, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính tổ chức hội thảo chuyên đề “Các vấn đề về giá trị pháp lý, lưu trữ, an toàn bảo mật, tổ chức trung gian và giao dịch trong cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế - tài chính".
Đây là một hoạt động phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ tổng kết thi hành Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) được Chính phủ giao cho Bộ TT&TT.
|
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy tái định hình các chuỗi cung ứng, làm thay đổi cách thức giao tiếp, làm việc là giao tiếp từ xa, làm việc trực tuyến, dịch vụ trực tuyến…Những chuyển dịch này làm cho các vấn đề về giá trị pháp lý, lưu trữ, an toàn bảo mật… trong giao dịch điện tử "càng trở nên hết sức quan trọng”. Ảnh: Vân Anh |
Tồn tại nhiều bất cập, chưa phù hợp thực tiễn
Các đai biểu có chung nhận định, sau 15 năm thực hiện, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, yêu cầu thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, Luật GDĐT có nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển.
Chẳng hạn như: Các quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật; Quy định chưa rõ ràng giá trị pháp lý của các loại hình thông điệp dữ liệu và hồ sơ, chứng cứ điện tử; Thiếu quy định trong Luật GDĐT về chứng từ, hồ sơ tương ứng với các quy định về “bản gốc”, “bản chính”, “bản sao” trong pháp luật truyền thống; Các vấn đề quy định về quy trình, thủ tục và pháp lý cụ thể của các bước trong giao kết hợp đồng điện tử…
|
Các chuyên gia trao đổi với các đại biểu tại hội thảo chuyên đề “Các vấn đề về giá trị pháp lý, lưu trữ, an toàn bảo mật, tổ chức trung gian và giao dịch trong cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế - tài chính". |
Cùng với đó, Luật GDĐT còn bất cập trong quy định về GDĐT của cơ quan nhà nước, các quy định còn mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định cụ thể như giá trị pháp lý; trường hợp sử dụng và việc công nhận, liên thông giữa chữ ký điện tử chuyên dùng trong có quan nhà nước và chữ ký điện tử công cộng. Những bất cập này gây khó khăn trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và GDĐT của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân.
Thực tế hiện nay, hoạt động Chính phủ điện tử, thành phố thông minh cũng như công cuộc chuyển đổi số đã và đang phát triển rất mạnh mẽ. Các dịch vụ công trực tuyến cũng đã phát triển mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhiều dịch vụ công mức 4 đã được triển khai. Điều này đòi hỏi các quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước cần phải được rà soát, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế phát triển.
Mặt khác, theo đánh giá, các quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong Luật GDĐT hiện có nhiều điểm chồng chéo, không phù hợp với các Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng.
Cụ thể, Luật còn thiếu quy định về sử dụng công nghệ, kỹ thuật trong GDĐT sao cho đảm bảo an toàn, bảo mật, tránh được các rủi ro cho người dùng do rò rỉ thông tin, dữ liệu. Luật GDĐT cũng mới quy định trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh trong GDĐT đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng mà thiếu quy định trách nhiệm an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian và các bên liên quan.
Nâng cao tính “tin cậy” trong giao dịch điện tử
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong quá trình triển khai đánh giá, tổng kết thi hành Luật GDĐT, qua làm việc với một số bộ, ngành, Bộ TT&TT nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ và những ý kiến đóng góp tích cực, mong muốn hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm giá trị pháp lý, tính tin cậy trong giao dịch điện tử.
“Các ý kiến đóng góp đã thể hiện những tồn tại, vấn đề bất cập, những quy định thiết yếu còn thiếu để bảo đảm giao dịch điện tửan toàn. Đây là điều kiện tiên quyết để người sử dụng có được niềm tin trên môi trường mạng”, Thứ trưởng nói.
|
Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Trọng đường cho biết, các bộ, ngành, địa phương hầu như đều nhất trí đề nghị cần thiết sửa đổi Luật GDĐT. |
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết các bộ, ngành, địa phương hầu hết nhất trí đề nghị cần thiết sửa đổi luật. Trong đó, cần khắc phục tình trạng luật “khung”.
“Vì quy định trong luật chưa cụ thể nên phải quy định tại các nghị định, quyết định, thông tư theo các ngành. Do đó, xuất hiện sự thiếu thống nhất, không đồng bộ, khó liên thông khi mở rộng phạm vi giao dịch, thậm chí có thể chồng chéo, mâu thuẫn”, ông Đường phân tích.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật GDĐT tập trung vào các vấn đề cụ thể như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật (95%); Quy định cụ thể hơn giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, hồ sơ điện tử (80%); Bổ sung quy định về định danh, xác thực điện tử (90%); Quy định cụ thể hơn về chữ ký điện tử (80%).
Ngoài ra, cũng có ý kiến kiện toàn bộ máy và cơ chế cho GDĐT nhằm tăng cường quản lý nhà nước, thúc đẩy ứng dụng cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.
Ở góc độ của đơn vị thực thi Luật, ông Lê Đức Thành, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính góp ý: Luật GDĐT chưa có quy định với việc xác thực về thời gian đối với dữ liệu được ký (Time Stamp).
Với Bộ Tài chính, việc quy định thời gian này rất quan trọng bởi nó liên kết đến các chính sách áp dụng (biểu thuế, cường chế, áp dụng các chỉ đạo của Chính phủ…). Việc chưa áp dụng Time Stamp dẫn đến các tranh chấp giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Vì thế, Bộ Tài chính đề xuất triển khai Time Stamp như một con dấu công chứng xác minh của bên thứ ba rằng chữ ký là hợp pháp tại thời điểm nó được thực hiện.
Đại diện Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị, ngoài chữ ký điện tử, cần bổ sung quy định về chữ ký số và làm rõ sự khác nhau giữa hai loại chữ ký này ngay tại Luật GDĐT; Thay thế quy định về các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử bằng quy định về các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Bổ sung quy định về các loại chữ ký điện tử khác (nếu có thể).
Vân Anh
No comments:
Post a Comment