Việt Nam lọt top 10 thế giới về ứng dụng IPv6; Mỹ gia hạn nhưng chưa dỡ bỏ lệnh cấm đối với Huawei; 60 triệu smartphone Trung Quốc sắp gắn mác Samsung,... là những thông tin nổi bật trong bản tin Công nghệ thứ 7 tuần này.
60 triệu smartphone Trung Quốc sắp gắn mác Samsung
Samsung đã đóng cửa nhà máy cuối cùng của mình tại Trung Quốc. Tuy nhiên theo Reuters, những chiếc smartphone mang thương hiệu Trung Quốc vẫn sẽ được sản xuất tại nước này.
Reuters cho biết, Samsung sẽ thuê nhà thiết kế sản phẩm gốc (ODM - Original Designed Manufacturer) của Trung Quốc là Wingtech để sản xuất các mẫu smartphone Galaxy A Series. Trước đó Galaxy A6s là mẫu smartphone đầu tiên của Samsung được xuất xưởng theo phương thức này. Galaxy A6s có giá khoảng 185 USD tại Trung Quốc.
Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết các ODM có thể sản xuất tất cả các liên kiện cần thiết cho những mẫu smartphone Samsung giá 100-250 USD với giá rẻ hơn từ 10-15% so với các thương hiệu khác tự sản xuất ở các nhà máy ở Trung Quốc.
Theo Reuters, dựa vào các nguồn tin, Samsung dự kiến sẽ xuất xưởng khoảng 60 triệu điện thoại sản xuất ở Trung Quốc (ODM), trong tổng số 300 triệu smartphone bán ra thị trường của mình vào năm sau.
Amazon tố chính phủ Mỹ thiên vị Microsoft
Amazon cáo buộc hợp đồng 10 tỷ USD mà chính phủ Mỹ vừa trao cho Microsoft là sự thiên vị không thể tranh cãi.
Hợp đồng phát triển hệ thống Hạ tầng Quốc phòng Doanh nghiệp Liên kết (JEDI) trong 10 năm sẽ khở tạo hệ thống chia sẻ thông tin chung do trí tuệ nhân tạo làm chủ cho tất cả phòng ban quân đội Mỹ.
“Quá trình đánh giá dự án JEDI cho thấy có sự thiếu hiệu quả, sai lầm và thiên vị rõ ràng”, phát ngôn viên Amazon Web Services nói trong thông báo đưa ra hôm 15/11.
Tuần trước, Amazon cũng nộp đơn lên tòa án Mỹ yêu cầu kiểm tra lại quy trình đấu thầu dự án JEDI mà hãng từng tham gia.
Phần mềm chuyển giọng nói thành văn bản giành giải Nhất Nhân Tài Đất Việt
Sản phẩm Phần mềm tự động chuyển đổi giọng nói tiếng Việt sang văn bản "Origin-STT" được tôn vinh ở hạng mục giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực CNTT tại lễ trao giải Nhân tài Đất Việt năm nay.
Được đánh giá cao ở tính chính xác, nhận dạng tốt ở khoảng cách xa (khoảng cách 2m cho độ chính xác lên đến 98% và từ 3-5m độ chính xác còn 95%), Origin còn có thể nhận dạng giọng nói ở cả 03 miền Bắc, Trung, Nam. Có khả năng nhận dạng khoảng 7.000 từ tiếng Việt, Origin-STT thực sự là phần mềm giúp tiết kiệm thời gian, công sức tối đa.
Origin-STT tiết kiệm tối thiểu 10 lần thời gian, công sức nghe lại audio và gõ lại văn bản (gỡ băng) sau các phiên họp của hàng vạn cuộc họp trong cả nước trong 1 năm.
Mỹ gia hạn nhưng chưa dỡ bỏ lệnh cấm đối với Huawei
Theo Bộ Thương mại Mỹ, việc gia hạn giấy phép chủ yếu nhằm giúp các nhà mạng không dây ở các khu vực nông thông Mỹ sử dụng thiết bị giá rẻ của Huawei.
Tuy nhiên, quan điểm mà Washington đưa ra trong tuyên bố là tiếp tục cô lập Huawei.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã phát biểu: "Bộ Thương mại sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm nhằm đảm bảo rằng các sáng tạo của chúng ta không bị lợi dụng bởi chính những người đe dọa an ninh quốc gia của nước Mỹ".
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng thiết bị mạng của Huawei đặt ra nguy cơ cho an ninh quốc gia Mỹ vì có thể có "cửa sau" sử dụng cho mục đích nghe lén của Bắc Kinh.
Washington cũng cáo buộc Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ. Về phần mình, Huawei hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc như vậy.
Việt Nam lọt top 10 thế giới về ứng dụng IPv6
Báo cáo của Trung tâm Thông tin mạng Châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) cho thấy, Việt Nam hiện nằm trong top 5 Châu Á và đứng thứ 2 khu vực ASEAN về mức độ triển khai ứng dụng IPv6.
Ở thời điểm hiện tại, các nước ASEAN đã triển khai IPv6 nhưng ở các cấp độ khác nhau, do đó việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các quốc gia là rất cần thiết.
Là giải pháp không thể không thực hiện để giải quyết vấn đề cạn kiệt và thiếu hụt địa chỉ IP và phát triển bền vững của mạng Internet, IPv6 được Bộ TT&TT (trước đó là Bộ Bưu chính Viễn thông) đưa vào nghiên cứu triển khai từ rất sớm.
Hiện tại, cả IPv4 và IPv6 tại Việt Nam đều song song tồn tại và hoạt động ổn định tại Việt Nam.
Theo ông George Kuo, Giám đốc dịch vụ Trung tâm Thông tin mạng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APNIC), Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá cao về việc triển khai IPv6.
Hải Nguyên - Đinh Tuấn
2 triệu dữ liệu ngân hàng của người Việt Nam bị công khai trên mạng?
Các thông tin cá nhân này được giới thiệu là mã khách hàng, tên tuổi, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, email, địa chỉ nhà riêng và nơi công tác của khoảng 2 triệu người Việt Nam.
No comments:
Post a Comment