Robot kho vận VMR-01 của Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC) giúp giảm 50% nhân sự vận hành hệ thống phân loại, chia chọn hàng hóa tương đương giảm khoảng 20 nhân sự/ hệ thống.
Tự động hóa đang là xu hướng tất yếu trong tiến trình phát triển của các doanh nghiệp thời đại 4.0, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển robotics, ứng dụng các nền tảng công nghệ hiện đại nhất để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu lớn từ thị trường. Tại Việt Nam, Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC) là đơn vị tiên phong, dẫn đầu về nghiên cứu phát triển công nghệ và cung cấp các giải pháp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cho Tập đoàn Viettel, Chính phủ và doanh nghiệp, hoàn thành sứ mệnh kiến tạo xã hội số.
Tại kho hàng của Viettel Post, rất nhiều công đoạn vận chuyển giờ đây đã không còn do con người đảm nhiệm, mà được chuyển giao cho “anh bạn” mang tên VMR-01. VMR-01 là robot kho vận sử dụng dẫn đường bằng thị giác máy tính tiên phong ở Việt Nam, do Trung tâm Không gian mạng Viettel phát triển. Robot này chịu được tải trọng hàng hóa lên đến 300kg, làm việc liên tiếp trong 8 giờ, di chuyển hàng hóa thông minh, khoa học, chính xác theo phân lối di chuyển được quy định trong kho hàng mà không cần người giám sát, tránh được mọi nhầm lẫn, sự cố… thường thấy ở lao động thủ công.
Robot VMR-01 thực hiện công việc di chuyển hàng hóa |
“Robot kho vận VMR-01” của VTCC được ứng dụng trong khâu đưa hàng hóa từ dây chuyền phân loại, chia chọn ra các xe hàng để vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng. Ứng dụng robot kho vận vào kho của Viettel Post đã giảm 50% nhân sự vận hành hệ thống chia chọn, tương đương giảm khoảng 20 nhân sự/ hệ thống”, anh Nguyễn Kim Thuần, quản lý bộ phận tự động hóa của Viettel Post, hào hứng chia sẻ.
“Robot đã giúp nâng cao năng suất làm việc gấp 2,5 lần tốc độ nhân công bình thường, giảm chi phí hoạt động kho. Điều quan trọng là sử dụng công nghệ như thế này giúp giảm thiểu tai nạn khi thực hiện thủ công truyền thống bằng xe nâng tay và xe nâng máy dầu. Nhân công sẽ tập trung đảm nhiệm các công việc khác đỡ nặng nhọc, nguy hiểm và tính chất lặp lại. Nhờ đó, con người có thể tập trung vào các đầu việc phức tạp hơn”, anh Thuần cho biết thêm.
“Bộ não” vận hành robot với giá rẻ hơn… 10 lần
“Bộ não” robot vận hành của VTCC nằm ở công nghệ thị giác máy tính. Với công nghệ này, robot có khả năng xây dựng bản đồ, tái hiện cảnh quan, đường đi chính xác, rõ nét, làm nhiệm vụ dẫn đường, chỉ hướng đường đi. Trong quá trình di chuyển, robot sẽ luôn cập nhật các thông tin trạng thái như vị trí, tác vụ đang thực hiện, gửi tín hiệu lên máy chủ. Mọi vật cản xuất hiện trên hành trình di chuyển được robot nhận diện, phát hiện, đánh giá nguy cơ va chạm, tự động đưa ra phương án xử trí mà không cần sự can thiệp của con người.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, công nghệ thị giác máy tính đóng vai trò “bộ não” của robot vận hành, thay vì sử dụng công nghệ radar hay LiDAR thường thấy ở các mẫu robot vận hành khác trong cùng công năng sử dụng. Tổng chi phí cho các cảm biến trên robot sử dụng công nghệ LiDAR lên tới hơn 200 triệu đồng. Đối với robot của VTCC, khi sử dụng công nghệ lõi thị giác máy tính, các cảm biến dẫn đường giá thành cao như LiDAR đều được thay thế bằng camera giá thành chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng, được nhập từ các nhà cung cấp camera có thương hiệu trên thế giới
Chuyên gia phát triển Robot tại Trung tâm Không gian mạng Viettel |
Điểm khởi đầu của hành trình hướng tới logistics thông minh
Trong thời gian tới, VTCC không chỉ cải tiến công năng, ứng dụng robot để giảm thiểu nhiều công đoạn vốn đang sử dụng nhiều nhân công trong dây chuyền vận chuyển, phân loại hàng trong kho hàng của Viettel Post, mà còn cung cấp các giải pháp để đồng bộ công nghệ, biến đổi hoàn toàn nhà kho Viettel Post trở thành nhà kho thông minh, khẳng định thương hiệu Viettel Post dẫn đầu về tự động hóa, chuyển đổi số trong ngành logictics tại Việt Nam.
“Trong 10 đến 20 năm nữa, Viettel Post mong muốn đưa số, máy móc, tự động hóa để tăng năng suất để hướng đến giá trị con người. Con người làm ít việc hơn, quản trị nhiều hơn để dành năng lực, trí tuệ cho các công việc cao hơn mà máy móc không thể thay thế. Chúng tôi kỳ vọng VTCC sẽ đồng hành cùng Viettel nghiên cứu, phát triển nhiều loại robot thông minh hơn, mang đến nhiều giải pháp công nghệ hiện đại, tối ưu hóa để tăng cường chuyển đổi số tại Viettel Post”, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Viettel Post chia sẻ tiềm năng phát triển robot của VTCC trong lĩnh vực logictics.
Robot VMR-01 |
Ngoài đơn đặt hàng sản xuất robot kho vận của Tổng công ty Bưu Chính Viettel trang bị trong megahub ở Hà Nội, VTCC đã khảo sát và tư vấn cho đối tác Digiworld (Thế Giới Số) về việc đưa robot kho vận vào ứng dụng trong kho hàng ở Đông Anh, Hà Nội. Nhìn lại hành trình chinh phục công nghệ lõi AI trong robotics, Trung tá Hoàng Ngọc Dương, Phó giám đốc VTCC tự hào: “VMR-01 là dòng sản phẩm robot đầu tiên của VTCC trong lĩnh vực Robot kho vận. Đây là cơ sở để trung tâm phát triển những dòng robot thực hiện những chức năng khác trong nhà kho như robot có gắn càng nâng để vận chuyển pallet, robot kéo xe hàng, robot nhặt hàng hóa… Những lựa chọn này sẽ thỏa mãn được yêu cầu đặc thù của hầu hết các loại nhà kho trong tương lai.
Ngoài ra, mục tiêu của VTCC là xây dựng được nền tảng AI Robot - một nền tảng phần mềm có thể ứng dụng để phát triển hầu hết các loại robot tự hành, giúp giảm thiểu thời gian trong chu trình phát triển robot. Chúng tôi hướng đến khát vọng đi đầu ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, làm chủ công nghệ lõi AI để ứng dụng, phát các sản phẩm thông minh, góp phần tạo nên xã hội thông minh.”
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025, VTCC đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các thiết bị thông minh, robotics sử dụng AI, Big Data vào ngành bưu chính, hỗ trợ đắc lực các công việc văn phòng, nhà hàng, khách sạn … hướng đến khát vọng trở thành một trong bốn đơn vị nghiên cứu công nghệ lõi hàng đầu Việt Nam. Robot kho vận VMR-01 được thử nghiệm thành công vào kho hàng của Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) là một trong những thành quả đầu tiên. |
Xuân Thạch
No comments:
Post a Comment