Các cường quốc công nghệ như Mỹ, Hàn Quốc và các nước châu Âu không ngại ‘chi mạnh’ để vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua 6G.
Châu Âu
Theo thông tin do 6GWorld thu thập từ cơ sở dữ liệu CORDIS của Ủy ban châu Âu, EU đã cung cấp 95,1 triệu EUR cho nghiên cứu về 5G và 6G từ năm 2017 đến 2025. Các số liệu thống kê cho thấy có ít nhất 20 sáng kiến tập trung vào thế hệ kết nối tiếp theo. Phần lớn các dự án đều được tài trợ trong khuôn khổ Horizon 2020 - chương trình khung của EU được thiết kế cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới (R&D).
Dữ liệu cũng cho thấy EU đã sẵn sàng “chi đậm” vào nghiên cứu 6G trong những năm gần đây. Từ năm 2017 đến năm 2019, Horizon 2020 đã cung cấp trung bình 3,07 triệu EUR cho mỗi chương trình cho 6G. Trong năm 2020 và 2021, con số này tăng gấp đôi - trung bình mỗi sáng kiến nhận được khoảng 6,13 triệu EUR tài trợ.
Các quốc gia chi bao nhiêu tiền cho 6G? |
EU cấp trung bình khoảng 360 nghìn EUR cho mỗi người tham gia vào các dự án từ năm 2017 đến năm 2019. Vào năm 2021 và 2022 con số này tăng 23%, tương đương khoảng 443 nghìn EUR.
Các quốc gia tiêu biểu ở châu Âu tham gia vào quá trình đẩy mạnh 6G như Đức, Pháp, Phần Lan. Điển hình là Đức lên kế hoạch dành 700 triệu EUR cho nghiên cứu về công nghệ 6G vào năm 2025. Bộ trưởng Nghiên cứu Liên bang Anja Karliczek cho biết: “Hiện chúng tôi phải đầu tư ồ ạt vào nghiên cứu 6G. Chỉ bằng cách này mới có thể củng cố chủ quyền công nghệ của Đức và châu Âu trong dài hạn, chúng tôi không muốn bị phụ thuộc. Để đạt được điều này, Đức cần một thập kỷ khởi đầu mới và đầu tư lớn vào các công nghệ trong tương lai”.
Hàn Quốc
Hàn Quốc đã bắt đầu chuẩn bị cho công nghệ 6G một cách toàn diện. Vào tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Chung Se-kyun đã hoàn thiện chiến lược nhằm thúc đẩy R&D cho lĩnh vực viễn thông di động trong tương lai. Để thực hiện kế hoạch này, chính phủ sẽ đầu tư 200 tỷ won (182 triệu USD) trong 5 năm kể từ năm 2021 cho công nghệ 6G.
Hàn Quốc có kế hoạch khởi động một dự án thử nghiệm cho các dịch vụ di động 6G vào năm 2026. Vào tháng 1 năm 2021, Viện Nghiên cứu Điện tử và Viễn thông Hàn Quốc (ETRI) và Đại học Oulu đã đồng ý hợp tác về an ninh mạng 6G ưu tiên mục tiêu đạt được tiêu chuẩn quốc tế.
“Ông lớn” Samsung cũng đã vạch ra chiến lược của mình cho thế hệ di động 6G. Tầm nhìn của Samsung đối với 6G là mang lại trải nghiệm siêu kết nối thế hệ tiếp theo cho mọi ngóc ngách của cuộc sống. Để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu cho 6G, Samsung Research đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông nâng cao vào giữa năm 2019.
Trung Quốc
Tuy chưa có con số cụ thể mà Trung Quốc đầu tư vào 6G, nhưng theo thông tin mới nhất từ Quốc vụ viện Trung Quốc, nước này đặt mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số sẽ chiếm 10% GDP nhờ kết nối 6G và dữ liệu lớn (Big Data). Kết nối 6G và Big Data là một phần trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc. Tham vọng này làm nổi bật nỗ lực của Trung Quốc trong việc đón đầu công nghệ mới trong bối cảnh nước này vẫn đang cạnh tranh với Mỹ trong các lĩnh vực từ chất bán dẫn đến trí tuệ nhân tạo (AI).
Trước đó, vào tháng 11 năm 2019, Trung Quốc đã thành lập nhóm công tác nghiên cứu và phát triển 6G quốc gia và một nhóm chuyên gia chung để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ 6G. Năm 2020, Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của thế giới khi đưa một vệ tinh 6G lên quỹ đạo.
Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Huawei, Ren Zhengfei cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu song song 5G và 6G, vì vậy chúng tôi đã bắt đầu 6G từ lâu. Tuy nhiên, nó đang ở giai đoạn đầu và vẫn còn một chặng đường dài phía trước trước khi thương mại hóa”. Huawei đã bắt tay vào nghiên cứu 6G và các lý thuyết cơ bản của 6G, bao gồm các công nghệ giao diện vô tuyến, kiến trúc mạng mới và các công nghệ quan trọng khác.
Mỹ và Nhật Bản
Tại Mỹ, Liên minh các Giải pháp Công nghiệp viễn thông (ATIS) đã thành lập Liên minh 6G - Next G Alliance để nâng cao vị thế lãnh đạo Bắc Mỹ trong lĩnh vực 6G. Các thành viên của liên minh bao gồm những gã khổng lồ công nghệ như Apple, AT&T, Qualcomm, Google.
Theo nguồn tin từ hãng thông tấn Jiji Press, Nhật Bản sẽ dành 50 tỷ yên (482 triệu USD) với mục đích thúc đẩy R&D các dịch vụ truyền thông 6G. Trong đó, 30 tỷ yên (khoảng 289 triệu USD) được giao cho các công ty tư nhân và các Trường đại học thông qua Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông quốc gia, 20 tỷ yên còn lại (khoảng 193 triệu USD) được dùng để xây dựng một cơ sở nhằm giúp cho các công ty và các bên liên quan khác sử dụng để thử nghiệm các công nghệ mà họ đã phát triển.
Vào tháng 4/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã đồng ý đầu tư chung 4,5 tỷ USD cho sự phát triển của 6G. Hai nước sẽ đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và triển khai các mạng an toàn và công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến. Mỹ đã cam kết 2,5 tỷ USD cho nỗ lực này, và Nhật Bản đã cam kết 2 tỷ USD.
Hiện tại, các công ty Trung Quốc như Huawei Technologies và ZTE nắm giữ khoảng 40% thị phần trạm gốc. Các công ty châu Âu như Eriksson và Nokia, cũng như Samsung Electronics của Hàn Quốc là những đối thủ nặng ký khác, cùng nhau chiếm 90% thị phần. Doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản bị tụt lại phía sau. Một trong những mục tiêu quan trọng trong hợp tác Mỹ - Nhật là “truyền thông cho các nước thứ ba” để thúc đẩy kết nối an toàn. Việc thêm các đối tác vào sáng kiến do Mỹ -Nhật dẫn đầu sẽ giúp cạnh tranh với Trung Quốc để thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu.
Hương Dung (Tổng hợp)
Cuộc đua 6G 'gắt gao' giữa các cường quốc công nghệ
Trong khi rất nhiều quốc gia vẫn còn ‘loay hoay’ với 5G, một số nước như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia ở châu Âu đã nhanh chóng tham gia vào cuộc đua 6G.
No comments:
Post a Comment