Wednesday, October 9, 2019

Hiệu quả của dịch vụ đô thị thông minh TP. Huế

Được triển khai từ tháng 1/2019, Trung tâm giám sát điều hành Hue IOC đã giám sát và điều hành một loạt dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh Thừa thiên Huế.

Chỉ với 14 người trong một phiên trực, Hue IOC đã xử từ an ninh trật tự, giao thông, môi trường, phòng chống cháy nổ, giải quyết các yêu cầu và phản ánh của công dân hay giám sát các dịch vụ hành chính công, giám sát ATTT, phát hiện thông tin phản ảnh của báo chí.

Thậm chí, trung tâm IOC còn giúp tổng hợp, cảnh  báo tình hình thực hiện công việc của các cán bộ viên chức chính quyền thông qua giám sát hoạt động thẻ từ. Toàn bộ khối lượng công việc này trước đây là của hàng trăm cán bộ, nay bằng các giải pháp thông minh, đã được giao cho chi 37 cán bộ của Sở TT&TT Huế.

Các camera an ninh được lắp đặt trên địa bàn thành phố được áp dụng công nghệ tự động nhận diện để cảnh báo một loạt các hành vi vi phạm phổ biến như xả rác sai quy định, vi phạm an toàn giao thông, nhận diện biển số xe, loại phương tiện cho đến hành vi vi phạm. Các camera này cũng tự động nhận diện được mật độ giao thông, độ rộng tuyến đường cùng nhiều chỉ số khác để hệ thống có thể đưa ra các khuyến nghị phục vụ công tác quy hoạch giao thông của thành phố Huế.

Từ khi triển khai trung tâm IOC, điều dễ nhận thấy là sự giảm tải trong công tác tuần tra giám sát của một loạt các lực lượng chức năng từ giao thông, môi trường đến lực lượng công an khu vực nhờ có hệ thống camera giám sát.

Tuy nhiên, chức năng được người dân ủng hộ và sử dụng nhiều nhất trên hệ thống đô thị thông minh của TP. Huế là tính năng phản ánh hiện trường thông qua ứng dụng HueS cài trên smartphone. Thông qua ứng dụng này, người dân có thể dễ dàng phản ánh các vấn đề vi phạm về trật tự đô thị của thành phố Huế. Sau khi tải ứng dụng và đăng ký các thông tin cá nhân, người dân có thể gửi trực tiếp các yêu cầu hoặc phản ánh tới các cơ quan chức năng, kèm theo hình ảnh, video bằng chứng.

Mọi phản ánh của người dân khi được  đăng tải lên ứng dụng HueS đều sẽ được UBND tỉnh Thừa thiên- Huế trực tiếp đôn đốc và xử lý dứt điểm. Các cơ quan chức năng khi tiếp nhận phản ánh của người dân thông qua trung tâm IOC đều sẽ phải báo báo tình trạng xử lý trong vòng 1 tuần, kèm theo kết quả xử lý hoặc thông báo thời hạn hoàn thành.

Thông qua ứng dụng HueS và trung tâm IOC, cả lãnh đạo UBND tỉnh và người dân đều theo dõi được quá trình tiệp nhận và xử lý thông tin phản ánh của cơ quan chức năng. Nếu xử lý chậm hoặc không thông báo kết quả xử lý, cơ quan chức năng sẽ bị UBND tỉnh đốc thúc, phê bình hoặc áp dụng chế tài xử phạt. Do đó, mọi phản ánh của người dân thông qua hệ thống HueS đều được xử lý triệt để, hiệu quả và nhanh chóng với thông tin minh bạch.

Chính vì vậy, tính đến thời điểm tháng 7/2019, sau hơn 6 tháng kể từ khi triển khai, ứng dụng HueS đã có hơn 6.000 lượt cài đặt. Đến cuối tháng 9/2019, theo số liệu mới nhất từ Sở TT&TT Huế, đã có hơn 11 ngàn lượt cài đặt ứng dụng HueS từ người dân.

Ngoài ứng dụng HueS, trung tâm IOC còn tiếp nhận thông tin từ người dân qua website, cổng thông tin tương tác, ứng dụng Zalo, email, số đường dây nóng. Các phản ánh của công dân đều được tiếp nhận, xử lý và xác minh theo quy trình chặt chẽ với thời hạn trả lời và kết quả xử lý phản ánh cụ thể từ cơ quan chức năng.

Chỉ sau hơn nửa năm, hiệu quả rõ nét nhất của hệ thống giám sát điều hành đô thị thông minh TP. Huế là đường phố đã sạch đẹp hơn hẳn, không còn tình trạng vứt rác nơi công cộng hay vi phạm về vệ sinh môi trường đô thị. Tình hình an ninh trật tự trong thành phố và các huyện vùng ven cũng được cải thiện rõ nét, giảm áp lực cho các cơ quan chức năng.

H.P.

No comments:

Post a Comment