Monday, June 7, 2021

Thỏa thuận thuế lịch sử của G7 ảnh hưởng thế nào đến Big Tech?

Các nước G7 nhất trí ủng hộ đánh thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15% nhằm ngăn chặn những công ty đa quốc gia như Amazon, Facebook, Apple trốn thuế.

{keywords}
Những hãng công nghệ lớn như Amazon, Facebook, Google có thể phải nộp thuế nhiều hơn. (Ảnh: AP)

Mỗi cá nhân sống và làm việc tại bất kỳ nước nào đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng đúng đối với doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn đa quốc gia thường báo cáo lợi nhuận không phải tại nước phát sinh doanh thu mà tại các nước có thuế suất thấp nhất. Những nước như vậy được gọi là “thiên đường thuế”.

Thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu mà G7 đạt được hôm 5/6 muốn loại bỏ hành vi này, buộc công ty phải nộp thuế bất kể họ đặt trụ sở ở đâu. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết thỏa thuận sẽ “cải cách hệ thống thuế toàn cầu sao cho phù hợp hơn với kỷ nguyên kỹ thuật số và quan trọng là bảo đảm nó cân bằng để các công ty phải nộp đúng thuế tại đúng nơi”.

Vì sao thỏa thuận thuế quan trọng?

Từ nhiều năm nay, các nền kinh tế lớn trên thế giới nỗ lực thay đổi hành vi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của doanh nghiệp để tránh bị đánh thuế cao tại quê nhà hay quốc gia đang hoạt động. Dù hành vi này bị phản đối, nó không phạm pháp. Kết quả là các nước lớn thiệt hại hàng tỷ USD tiền thuế.

Chẳng hạn, tờ The Guardian của Anh dẫn một báo cáo trong chiến dịch minh bạch thuế năm 2019, chỉ ra 6 công ty công nghệ Mỹ - Amazon, Facebook, Google,Netflix, Apple và Microsoft - bị cáo buộc “né” khoản thuế 100 tỷ USD trên toàn cầu trong 10 năm qua nhờ chiến lược “chuyển doanh thu và lợi nhuận sang các thiên đường thuế hay nước đánh thuế thấp”.

Xét tới mức độ phức tạp của các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia, rất khó để nói chính xác họ né thuế bằng cách nào. Tuy nhiên, bài báo trên The Guardian cho thấy một ví dụ của “ông lớn” thương mại điện tử Amazon. Theo đó, dù báo cáo với nhà chức trách Mỹ rằng họ kiếm được 14,5 tỷ USD từ thị trường Anh năm 2018 và 75,8 tỷ USD trong một thập kỷ, hai công ty con của Amazon chỉ nộp thuế tổng cộng 83 triệu bảng Anh trong cùng kỳ do phần lớn doanh số chuyển về “thiên đường thuế” Luxembourg.

Nội dung thỏa thuận thuế G7

Thỏa thuận thuế lịch sử được thông báo tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính G7 diễn ra ở London (Anh). Đây là một phần trong nỗ lực chấm dứt điều mà Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen miêu tả là “cuộc đua về đáy tỉ suất thuế doanh nghiệp kéo dài 30 năm”.

Được thiết kế nhằm buộc các công ty đa quốc gia phải nộp thuế nhiều hơn, thỏa thuận bao gồm hai phần quan trọng. Thứ nhất, các nước G7 đồng ý rằng phải đưa ra quy định bảo đảm doanh nghiệp nộp thuế tại các nước mà họ kinh doanh. Thứ hai, thống nhất yêu cầu áp thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% trên khắp thế giới. Với sự hậu thuẫn của G7, nó có thể đặt nền móng cho một thỏa thuận toàn cầu.

Mục tiêu của phần thứ nhất là cho phép các nước đánh thuế một phần lợi nhuận của những công ty “không hiện diện vật lý nhưng có doanh số đáng kể”. Nó phù hợp với một đề xuất từ Mỹ rằng các nước nên đánh thuế thu nhập của các công ty lớn nhất, lợi nhuận nhất nếu hoạt động trong lãnh thổ của họ. Theo thông báo chung của cuộc họp G7, quy định nhằm vào “các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và lợi nhuận nhất”, trao cho các nước “quyền đánh thuế trên ít nhất 20% lợi nhuận” với các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên 10%.

Pháp đang áp dụng thuế kỹ thuật số riêng đối với doanh thu phát sinh tại Pháp của Google, Amazon, Facebook. Song Mỹ lại xem thuế kỹ thuật số như biện pháp thương mại phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ.

Đối với phần thứ hai, nếu một công ty áp dụng thuế suất thấp hơn tại một quốc gia cụ thể, chính phủ nước này phải tăng thuế suất lên mức tối thiểu (15%), từ đó loại bỏ lợi ích của hành vi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Quy định này không can thiệp đến việc các nước áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp trên lãnh thổ của mình.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đề xuất đánh thuế 21% với thu nhập nước ngoài của doanh nghiệp, tăng từ thuế suất 10,5-13,125% dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Đề xuất của ông Biden phải được Quốc hội thông qua.

Các “thiên đường thuế” nổi tiếng thế giới

Các “thiên đường thuế” nổi tiếng nhất thế giới phải kể đến các nước Caribe thuộc Bahamas hoặc quần đảo Virgin. Tại châu Âu, thuế suất thu nhập doanh nghiệp của Ireland là 12,5%. Thuế suất tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới cao hơn nhiều, chẳng hạn tại Ấn Độ là khoảng 25%, tại Trung Quốc và Hàn Quốc là 25% tính trên lợi nhuận doanh nghiệp.

Dù các nước G7 nhất trí với thuế suất doanh nghiệp tối thiểu, theo Reuters, cần tổ chức nhiều cuộc thảo luận trên toàn cầu để đưa ra giải pháp. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang đàm phán tại 140 nước về vấn đề thuế kỹ thuật số xuyên biên giới và né thuế.

Thỏa thuận thuế của G7 sẽ được đưa ra tại cuộc họp G20 tháng sau với sự tham gia của Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ. Reuters cho biết OCED và G20 sẽ sớm đạt đồng thuận về đề xuất của G7. Khi ấy, rất khó để một nước ngăn chặn thỏa thuận này.

Nick Clegg, Phó Chủ tịch Các vấn đề toàn cầu Facebook, đánh giá thỏa thuận là bước tiến đáng kể hướng tới nâng cao ổn định kinh doanh và tăng cường lòng tin của công chúng vào hệ thống thuế toàn cầu, dù thừa nhận nó sẽ khiến công ty tốn kém. “Chúng tôi muốn quy trình cải cách thuế quốc tế thành công và điều đó đồng nghĩa Facebook sẽ phải trả nhiều thuế hơn tại các địa điểm khác nhau”, ông Clegg viết trên Twitter.

Du Lam (Theo News18, Csmonitor)

Thỏa thuận thuế lịch sử của G7 đe dọa Amazon, Google

Thỏa thuận thuế lịch sử của G7 đe dọa Amazon, Google

Mỹ, Anh và các nước giàu khác trong nhóm G7 đã đạt thỏa thuận mang tính lịch sử vào hôm 5/6, nhằm thu nhiều tiền thuế hơn từ các tập đoàn đa quốc gia như Amazon, Google.  

No comments:

Post a Comment