Trào lưu coin động vật đang nổi lên trên thế giới. Nhiều nhà đầu tư Việt Nam cũng tham gia trào lưu này với hi vọng kiếm lời, nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để thoát sớm.
Một tuần qua, các loại tiền mã hóa coin động vật trở thành trào lưu của giới đầu tư. Ngoài Dogecoin đã có tên tuổi, nhiều đồng tiền khác dựa trên các con vật như chó, heo hay dê cũng được săn đón.
“Tôi mua đồng Shiba từ sớm, đến sáng nay lúc bán ra cũng lãi được 4 lần. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ quan điểm không đầu tư vào các coin động vật mới nổi”, Hoàng Vũ, nhân viên văn phòng đang làm việc tại TP.HCM chia sẻ.
Vũ cho biết anh thường đầu tư vào những đồng tiền mã hóa có nền tảng công nghệ, hệ sinh thái đáng tin cậy. Tuy nhiên, đôi lúc anh cũng mạo hiểm bỏ tiền vào những đồng tiền có giá trị nhỏ, hay "coin rác", thường được gọi là "kèo xổ số".
|
Hoàng Vũ chia sẻ lịch sử vào lệnh khi mua vào đồng Shiba. |
"Tổng số tiền tôi bỏ ra để mua đồng Shiba khoảng 100 triệu, rải rác trong nhiều ngày từ khi giá còn tốt. Lúc nó đạt đỉnh rồi xuống, tôi vẫn chờ, một phần vì tham, nghĩ rằng nó sẽ 'bay' trở lại. Chỉ tới khi giá xuống qua mức nguy hiểm, tôi mới sợ và chốt lãi vào sáng 13/5. Số tiền thu về là 400 triệu, lời 3 lần nhưng đúng ra có thể lớn hơn nếu tôi tỉnh táo", nhà đầu tư này chia sẻ.
Bùng nổ tiền mã hóa động vật
Những loại tiền mã hóa động vật về bản chất là những token, tức là loại tiền ước định dựa trên một công nghệ blockchain có sẵn. Token động vật nổi bật nhất là Dogecoin. Đồng tiền mã hóa này ra đời năm 2013, và giá trị của Dogecoin chỉ tăng đột biến trong nửa năm qua khi liên tục được tỷ phú Elon Musk nhắc đến trên trang cá nhân.
|
Sau chó Shiba, những đồng tiền dựa trên heo, dê cũng được nhiều người săn đón. Ảnh: Pig Finance. |
Đồng Dogecoin tăng giá mạnh khiến nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường có tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ). Trên các nhóm về tiền mã hóa, mỗi ngày đều có những bài viết hỏi liệu có nên mua Dogecoin. Do giá trị đồng tiền này lúc đầu rất nhỏ, bỏ ra vài triệu là có thể sở hữu hàng nghìn đồng Dogecoin nên nhiều nhà đầu tư muốn chơi thử.
“Người bạn tôi có 1.000 USD rảnh rỗi. Hôm qua, anh ấy vừa hỏi có nên mua Dogecoin không. Tôi phải khuyên anh ấy bỏ ngay ý định, hoặc ít nhất nếu chơi thì mua 3 đồng tiền top đầu, chỉ để một khoản nhỏ mà chơi Dogecoin thôi”, Hoàng Việt, người đầu tư tiền mã hóa tại Hà Nội chia sẻ.
Tuy nhiên, tâm lý FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ) chỉ thực sự bùng nổ khi đồng tiền Shiba Inu (SHIB) xuất hiện. SHIB là một token khác cũng lấy cảm hứng từ chú chó Shiba. Đồng tiền này được tạo ra trên blockchain Ethereum, với tổng nguồn cung lên đến 1 triệu tỷ đồng.
Dù xuất hiện từ tháng 8/2020, SHIB chỉ tăng giá mạnh trong hơn một tuần qua với những hiệu ứng liên tiếp. Đầu tiên là bài viết trên Twitter của Elon Musk, cho biết mình “đang muốn nuôi một chú chó shiba”. Sau đó, đồng tiền này được niêm yết trên Binance, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới.
Lúc này, giá trị đồng SHIB tăng mạnh, có lúc đạt 0,000039 USD, tức là gấp 40 lần so với tuần trước đó. Với gần 400.000 tỷ đồng tiền SHIB đang được lưu hành, vốn hóa thị trường có thời điểm vượt qua mốc 20 tỷ USD.
"Mức tăng của SHIB rõ ràng tới từ thành công của Dogecoin", David Hsiao, CEO tạp chí về blockchain Block Journal nhận xét.
Tới ngày 11/5, hàng loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng đăng tải đồng SHIB trên trang cá nhân, trong danh sách cùng nhiều loại token khác. Những bài viết này khiến đồng SHIB được nhiều người biết đến tại Việt Nam.
Sau thành công của SHIB, người dùng bắt đầu săn lùng những thể loại token động vật khác. Riêng coin liên quan đến chó đã có tới hàng chục loại, từ Jindoge, Hachiko, thậm chí là DogePhuQuoc (chó Phú Quốc, với chữ Doge viết theo Dogecoin). Trong số các loại động vật khác, Pig Token (PIG), Australian Safe Shepherd (ASS) hay Aquagoat (AQUAGOAT) là những đồng tiền được nhiều người lựa chọn.
Không chỉ Binance, cơn sốt tiền thú vật khiến nhà đầu tư tìm đến sàn giao dịch nhỏ, ít ổn định như MXC, hoặc mua trực tiếp từ kênh đầu tư phi tập trung như Pancakeswap.
Nhiều người “nhận được bài học” vì token động vật
Nhìn biểu đồ giá PIG xuống chưa thấy điểm dừng, Trần Hương (sống tại Hà Nội) lắc đầu ngán ngẩm. Vài ngày trước, cô để chút tiền nhàn rỗi trên sàn MXC mua đồng SHIB. Sau 2 ngày, giá trị đồng tiền này tăng gần 3 lần, Hương chốt lời để tìm cơ hội “x mấy” tiếp theo.
Người phụ nữ này tiếp tục chọn một con vật khác là PIG. Đồng tiền này vừa “bay” trong ngày hôm trước, và tiếp tục tăng mạnh vào sáng 11/5. Hương bỏ toàn bộ số tiền vừa chốt lời vào PIG ở giữa sóng, với hi vọng đồng tiền này sẽ còn tăng thêm. Tuy nhiên, trái với tính toán, không lâu sau giá trị đồng tiền sụt giảm mạnh.
Thay vì cắt lỗ, Hương tin rằng giá trị đồng PIG sẽ hồi lại. Kết quả là sau 2 ngày, khoản đầu tư của cô chỉ còn lại 1/5.
“Thắng được bao nhiêu từ ‘con chó’, mình lại mất hết vì ‘con lợn’. Coi như là có một bài học”, người phụ nữ này chia sẻ.
|
Sau trào lưu "coin chó", nhà đầu tư Việt lại tham gia "coin heo". Ảnh: TA. |
Ngân Hà, em họ Hương cũng chỉ mới tìm hiểu về tiền mã hóa vài ngày nay, và xác định nạp vài triệu vào tài khoản để thử. Cách nạp tiền, vào lệnh vẫn phải đi hỏi, nhưng Hà quyết tâm mua Dogecoin bởi thấy đồng tiền này được nhắc đến quá nhiều.
“Mua xong giá lên được một chút rồi lại tụt ngay. Thôi cứ để đấy, coi như học thêm cách chơi”, Hà cho biết.
Khi số lượng tiền mã hóa ngày càng nhiều, các đồng tiền mới có thể tăng, giảm hàng chục lần vì cảm xúc của đám đông.
"Thay vì thẳng tay gạt bỏ những đồng tiền đang tăng giá, cần phải chỉ ra rằng chúng ta đang nhận thấy rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường tiền mã hóa", Ben Caselin, trưởng nhóm nghiên cứu và chiến lược tại sàn giao dịch tiền mã hóa AAX nhận định.
"Những gì đang xảy ra với các đồng tiền thiếu nghiêm túc như Shiba không phải vấn đề tài chính, mà là cảm xúc của đám đông", ông Caselin nói thêm.
Trên thị trường tiền mã hóa, nhiều tin tức hoặc diễn biến khó lường có thể gây ảnh hưởng rất lớn. Sáng 13/5, Elon Musk thông báo Tesla sẽ dừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Thông tin này đã khiến giá Bitcoin cùng toàn bộ thị trường giảm mạnh.
Đối với SHIB, một thông tin khác còn gây ảnh hưởng lớn hơn. Vitalik Buterin, nhà sáng lập Ethereum được chuyển một nửa số SHIB ngay khi đồng tiền này phát hành, như một cách “đốt” trong tiền mã hóa. Tuy nhiên, ông đã quyết định chuyển toàn bộ số tiền này cho quỹ chống Covid-19 tại Ấn Độ. Quyết định này ngay lập tức khiến giá SHIB giảm khoảng 20%.
|
Giá của những đồng coin động vật như SHIB thường chỉ bằng một phần triệu USD, với quá nhiều số 0 phía sau. Ảnh: TA. |
“Dù có lãi, tôi vẫn thấy mình may mắn khi bán đồng SHIB kịp lúc. Tâm lý là cái khó vượt qua nhất khi đầu tư tiền mã hóa. Bản thân tôi cũng đầu tư khá lâu rồi, nhưng nhiều lúc cũng không vượt qua được lòng tham”, Hoàng Vũ chia sẻ.
Nhà đầu tư này cho cho biết mình vẫn tin tưởng vào những coin lớn, có nền tảng và hệ sinh thái nhiều ứng dụng. Mọi loại token động vật đều được coi là những “kèo xổ số”, không nên bỏ số tiền quá lớn.
"Tôi thấy Dogecoin còn ổn, nhưng sẽ dừng ở Shiba thôi. Những loại tiền chó, mèo, lợn, gà khác, tôi sẽ tránh xa", nhà đầu tư này cho biết.
Nhiều người cho rằng việc mua các đồng tiền mã hóa là cơ hội để kiếm tiền. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo thì cơ hội sẽ biến thành trái đắng.
"Nếu bạn mua vài ngày trước thì có thể bạn sẽ có tiền. Nếu mua vào hôm nay, tôi chẳng biết tương lai sẽ như thế nào. Rõ ràng là đà tăng này không thể duy trì, và phần lớn người mua sẽ mất tiền", ông David Hsiao nhận định.
Theo Zing
Tiền ảo mỉa mai Elon Musk mọc lên như nấm sau cú lừa Tesla
Tức giận vì bị tỷ phú gốc Nam Phi lừa gạt, nhiều đồng tiền ảo châm biếm Elon Musk đã mọc lên như nấm sau mưa.
No comments:
Post a Comment