Báo cáo công bố hồi đầu tháng 6 cho thấy trong quý 1, doanh thu của Zoom tăng 169%, lên hơn 328,2 triệu USD, với lợi nhuận đạt 27 triệu USD. Chi phí của công ty cũng tăng 330%, lên 103,7 triệu USD.
|
Biểu tượng ứng dụng Zoom trên một màn hình điện thoại ở Arlington, bang Virginia, Mỹ ngày 30/3/2020 |
Đại dịch COVID-19 đã đẩy hầu hết các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực trên thế giới rơi vào cảnh khó khăn.
Nhiều người buộc phải chuyển sang hình thức làm việc và tập tại nhà để tránh lây nhiễm dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, một công ty phần mềm ứng dụng gần như "vô danh" đã nổi lên, thậm chí còn vượt mặt hàng loạt ứng dụng đình đám như Skype, Google Duo, Viber… để trở thành một trong những sản phẩm được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, đó là Zoom Video Communications.
Zoom được thành lập vào năm 2011 bởi một doanh nhân người Mỹ gốc Trung Quốc tên Eric Yuan. Eric Yuan (50 tuổi) từng giữ chức Phó Chủ tịch của Cisco Systems, một công ty chuyên sản xuất thiết bị viễn thông.
Tuy nhiên, ông đã rời Cisco cùng với 40 nhân viên để hiện thực hóa ý tưởng ấp ủ từ thời còn học đại học là cung cấp dịch vụ hội nghị, hội họp trực tuyến, trò chuyện và các hoạt động tác nghiệp trên thiết bị di động và cũng vì mong muốn liên lạc với bạn gái ở xa.
Dịch vụ này bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2013 và đến tháng 5/2013 đã ghi nhận hơn 1 triệu người sử dụng.
Trong năm đầu tiên phát hành, Zoom đã thiết lập quan hệ đối tác với các nhà cung cấp phần mềm "cộng tác doanh nghiệp với doanh nghiệp" (B2B), như Redbooth (sau đó là Teambox), đồng thời tạo ra một chương trình có tên "Works with Zoom," thiết lập quan hệ đối tác với nhiều nhà cung cấp phần cứng và phần mềm như như Logitech, Vaddio và InFocus.
Tháng 1/2017, Zoom đã chính thức gia nhập câu lạc bộ Kỳ Lân, định giá từ một tỷ USD.
Đến tháng 4/2019, Zoom phát hành cổ phiếu ra lần đầu ra công chúng (IPO), đưa Eric Yuan chính thức trở thành tỷ phú USD ở tuổi 49. Giá trị vốn hóa của Zoom thời điểm này lên tới 35 tỷ USD và có hơn 30.000 khách hàng doanh nghiệp, nổi bật trong số đó phải kể đến Samsung, Uber, Walmart, hay Capital One.
Lý do để ứng dụng Zoom trở nên hấp dẫn đối với các khách hàng doanh nghiệp là nhờ độ thân thiện với người dùng, khi người dùng có thể tham gia các cuộc họp trực tuyến chỉ bằng một đường link hoặc gõ ngẫu nhiên mã số cuộc họp, không cần mật khẩu mặc định, cùng khả năng kết nối lên tới 100 người cùng một lúc.
Zoom cũng đã trở thành công cụ phổ biến được nhiều người sử dụng phục vụ mục đích học tập, chia sẻ nhóm, họp hội nghị khi ông Eric Yuan cho phép các trường học sử dụng nền tảng này miễn phí. Nhờ đó, doanh thu của Zoom tăng vọt trong quý 1/2020.
Báo cáo công bố hồi đầu tháng 6/2020 cho thấy trong quý 1 tài khóa 2020, doanh thu của Zoom tăng 169%, lên hơn 328,2 triệu USD, với lợi nhuận đạt 27 triệu USD. Chi phí của công ty cũng tăng 330%, lên 103,7 triệu USD.
Trong ba tháng đầu năm nay, cổ phiếu của Zoom trên thị trường chứng khoán vẫn dừng ở con số 0 USD/cổ phiếu, song đến nay, cổ phiếu của Zoom đã tăng lên 200 USD/cổ phiếu trong phiên 2/6.
Số người dùng Zoom cũng tăng vọt trong những tháng qua, từ 10 triệu người vào tháng 12/2019 lên tới 300 triệu người vào tháng 4/2020.
Zoom hiện sở hữu khoảng 265.400 khách hàng là doanh nghiệp, trong đó mỗi doanh nghiệp có ít nhất 10 người sử dụng, cao gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Với đà sử dụng hiện nay, Zoom đã nâng dự báo doanh thu năm 2020 từ 905-915 triệu USD lên 1,78-1,8 tỷ USD, trong khi giới phân tích cho rằng doanh thu trung bình của Zoom là 935,2 triệu USD.
Bên cạnh đó, giá trị vốn hóa thị trường của Zoom tính đến giữa tháng 5/2020 cũng tăng vọt lên 48,8 tỷ USD, mặc dù doanh thu chỉ đạt 623 triệu USD trong năm 2019.
Con số trên đã vượt qua tổng giá trị 46,2 tỷ USD trong cùng thời điểm của 7 hãng hàng không lớn nhất thế giới, gồm bốn hãng hãng không Mỹ là Southwest Airlines, Delta Airlines , United Airlines, American Airlines, bên cạnh các hãng International Airlines Group (Anh), Lufthansa (Đức) và Air France (Pháp).
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng thành công gần đây của Zoom có thể không kéo dài.
Hiện tượng "bùng nổ Zoom" đã hứng chịu nhiều chỉ trích sau một loạt sự cố liên quan tới biện pháp bảo mật.
Một trong số đó là lỗ hổng cho phép phần mềm độc hại gắn vào Zoom, người dùng có nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu hay bị chiếm quyền điều khiển camera.
Ông Eric Yuan, CEO của Zoom, đã phải xin lỗi về những sự cố trên và cam kết sẽ khắc phục vấn đề liên quan đến quyền riêng tư cũng như bảo mật trong thời gian tới để người dùng yên tâm sử dụng.
Theo Vietnam+
Vì sao Zoom vẫn thu hút đông đảo người dùng dù kém bảo mật?
Zoom đã trở thành xu hướng mới của mạng xã hội khi đại dịch Covid-19 khiến ít nhất 1/3 dân số toàn cầu phải ở nhà. Tuy nhiên, rất nhiều người dùng đã báo cáo lỗi bảo mật trên nền tảng này. Vì sao Zoom vẫn thu hút người dùng?
No comments:
Post a Comment